Theo báo cáo dựa trên thông tin thu thập tại Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh tại châu Âu vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, thông tin giả mạo và đôi khi là các lời khuyên nguy hiểm về cách chữa trị COVID-19 đã xuất hiện tràn lan trên Internet và mạng xã hội. Có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet thông tin về các cách chữa "lang băm" như súc miệng bằng giấm hay uống dung dịch sát khuẩn, hay hút thuốc lá để phòng bệnh. Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine, hiện chưa được chứng minh có tác dụng trong điều trị COVID-19, cũng được lan truyền như một "cứu tinh" cho nạn nhân của căn bệnh này.
Các thuyết âm mưu cũng phủ kín mạng Internet như virus SARS-CoV-2 do con người tạo ra, hoặc có liên quan đến mạng 5G. Theo báo cáo, các thuyết âm mưu lan truyền thường gắn với các mối quan tâm của công chúng về các vấn đề tại địa phương. Chẳng hạn như ở Đức, COVID-19 có liên quan đến người nhập cư, hay tại Anh, căn bệnh này dính dáng tới thú cưng. Theo báo cáo mặc dù làn sóng tin giả đã lắng xuống trong những tuần gần đây, song vẫn xuất hiện trên mạng nhiều cách chữa bệnh và thuyết âm mưu liên quan tới COVID-19.
Báo cáo do 5 tổ chức gồm hãng AFP của Pháp, Pagella Politica/Facta của Italy, Maldita.es của Tây Ban Nha, Full Fact của Anh và Correctiv của Đức thực hiện dựa trên phân tích 654 bài báo xuất bản trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
Hồi tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo "đại dịch" tin giả về COVID-19, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người trên toàn cầu, đang làm cuộc chiến chống dịch trở nên phức tạp hơn.