Cụ thể, Trường Báo chí thuộc Đại học Carleton ở Ottawa đã khảo sát 2.000 người dân Canada và phát hiện ra rằng có đến 46% trong số họ tin vào ít nhất một trong bốn thông tin hư cấu đang được lan truyền trực tuyến về dịch COVID-19. Giáo sư Sarah Everts cho rằng đây là tỷ lệ cao đáng báo động, vì những tin đồn thất thiệt có nguy cơ tạo sức ép nặng nề lên hệ thống y tế vốn đã quá tải hiện nay. Hậu quả trực tiếp là người dân sẽ không có nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm của COVID-19, sẽ lờ đi những hướng dẫn sức khỏe cộng đồng như giãn cách xã hội hay mở cửa cho thông thoáng, khiến dịch bệnh tái bùng phát.
Kết quả khảo sát cho thấy 26% người tham gia tin vào thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus, 11% người tham gia khảo sát cho rằng COVID-19 không phải dịch bệnh nguy hiểm mà chỉ là cách để đánh lạc hướng dư luận khỏi những tác hại thực sự của sóng 5G. Hiện cảnh sát tại tỉnh Quebec (Kê-bếch) đang nỗ lực điều tra tin đồn này vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số cột phát sóng di động bị phá hoại trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, khảo sát chỉ ra 23% người được hỏi tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng rằng thuốc điều trị sốt rét như Hydroxychloroquine có thể chữa được COVID-19 và 17% nghĩ rằng rửa mũi bằng dung dịch nước muối sẽ bảo vệ họ khỏi dịch bệnh. Khoảng 57% người dân Canada tin rằng họ có thể nhận biết được các thông tin sai lệch, nhưng giáo sư Everts cho rằng chính sự tự tin này khiến họ dễ bị mắc lừa hơn.
Khảo sát được tiến hàng từ ngày 5-8/5 với sai số kết quả khoảng 2,19%. Các nhà nghiên cứu nhận định những người dành nhiều thời gian trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Instagram và TikTok thường sẽ dễ dàng tin vào các thuyết âm mưu.