Tờ báo trên không tiết lộ số lượng hướng dẫn viên quân sự mà Pháp định đưa tới Ukraine, nhưng nói rằng có thể bao gồm một số đơn vị thông thường.
Theo Le Monde, lực lượng đặc biệt của Pháp cũng đã tham gia huấn luyện binh sĩ Ukraine ở Ba Lan và hộ tống việc vận chuyển vũ khí của nước này tới Ukraine. Tuy nhiên, lực lượng này luôn dừng lại ở biên giới Ukraine.
Pháp muốn đào tạo cho người Ukraine trên thực địa về các hệ thống phòng không do các cơ sở vũ khí đất đối không của Ukraine thường xuyên là mục tiêu của lực lượng Nga. Ngoài ra, theo Le Monde, hiện diện của binh lính Pháp hoặc của các quốc gia khác sẽ có khả năng bảo vệ một số khu vực nhất định trên lãnh thổ Ukraine.
Chính phủ Pháp coi việc triển khai quân như vậy là một cách đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược đối với Nga và điều đó có thể hạn chế khả năng tấn công của Nga. Đặc biệt, kế hoạch này có thể thiết yếu trước khi các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất dự kiến tới Ukraine vào cuối năm nay.
Cho đến nay, Pháp vẫn phủ nhận binh sĩ nước này hiện diện ở Ukraine.
Thông tin trên tờ Le Monde xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi khi nói rằng không thể loại trừ khả năng NATO triển khai quân tới Ukraine trong tương lai.
Ông nói: “Hôm nay không có sự đồng thuận nào về việc gửi binh sĩ tới thực địa một cách chính thức. Về mặt động lực, chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Bình luận của ông Macron đã khiến các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải lên tiếng làm rõ rằng họ không có kế hoạch như vậy.
Ngày 27/2, Nhà Trắng khẳng định Mỹ không có kế hoạch triển khai binh sĩ đến Ukraine. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Adrienne Watson cho biết Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine. Trước đó cùng ngày, phát biểu với báo giới, người phát ngôn John Kirby của NSC khẳng định lực lượng quân nhân Mỹ duy nhất hiện diện ở Ukraine là những người đang có mặt tại đại sứ quán nước này ở Kiev để làm nhiệm vụ giải trình về số vũ khí cung cấp cho Ukraine. Ông Kirby phủ nhận việc Mỹ cử binh sĩ đến Ukraine để rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí hoặc hoạt động an ninh mạng, như đề xuất của Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne về việc các nước phương Tây triển khai quân đến Ukraine.
Cùng ngày 27/2, các nước Đông Âu thuộc Nhóm Visegrad (V4 - gồm CH Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) khẳng định không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Thủ tướng CH Séc Petr Fiala, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đưa ra tuyên bố này sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo V4. Tuy nhiên, Thủ tướng Fiala cho biết V4 sẵn sàng hỗ trợ Ukraine dưới các hình thức khác. Theo ông Fiala, CH Séc và Ba Lan sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Hungary và Slovakia sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo và tài chính.
Tuy nhiên, bình luận của Tổng thống Pháp dường như được hai quốc gia vùng Baltic là Estonia và Liva ủng hộ. Hai nước này cũng cho rằng không thể loại trừ một động thái như vậy.
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Pháp, Nga cảnh báo rằng việc triển khai lực lượng NATO tới Ukraine sẽ khiến xung đột trực tiếp giữa Nga và khối quân sự này không thể tránh khỏi.
Ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng hiện diện của quân đội phương Tây tại Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ dẫn đến tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực. Bà Zakharova nhấn mạnh xung đột sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu phương Tây chính thức đưa quân tới Ukraine, hay tuyển mộ lính đánh thuê từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Bà Zakharova cho biết việc binh sĩ một số thành viên NATO có mặt tại Ukraine nhằm hỗ trợ lực lượng vũ trang nước này theo nhiều cách khác nhau đã không còn là bí mật.