Tuy nhiên, bất chấp an ninh được tăng cường, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố và thị trấn của tỉnh này. Tại thành phố Timika, khoảng 1.000 người vẫn đổ ra các đường phố biểu tình, ném đá vào cảnh sát và phá dỡ các hàng rào xung quanh trụ sở hội đồng lập pháp địa phương. Đám đông chỉ giải tán khi cảnh sát bắn chỉ thiên cảnh cáo.
Làn sóng biểu tình đang lan rộng tại tỉnh Papua, sau khi hàng nghìn người dân, trong đó chủ yếu là sinh viên đại học, xuống đường từ ngày 19/8 nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Đám đông người biểu tình đã chặn các tuyến đường, xông vào một sân bay và đốt phá trụ sở Hội đồng Lập pháp khu vực, cũng như tấn công một nhà tù ở Sorong. Lợi dụng tình hình bạo loạn, 250 tù nhân trong tổng số 547 người đang bị giam giữ, đã đào thoát khỏi nhà tù. Hiện cảnh sát đang truy lùng các phạm nhân trốn trại.
Người phát ngôn cảnh sát quốc gia, Tướng Dedi Prasetyo, cho biết hầu hết những người biểu tình bị kích động sau khi 43 sinh viên tại Papua bị bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ của Indonesia treo trước ký túc xá trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập hôm 17/8. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào khu ký túc xá trước khi bắt giữ các sinh viên trên. Người biểu tình cáo buộc lực lượng an ninh Indonesia đã sử dụng "những từ ngữ phân biệt chủng tộc một cách cực đoan" đối với người dân tỉnh này. Tuy nhiên, 43 sinh viên này đã được thả ít giờ sau khi không có bằng chứng cho thấy những người này đã phá hoại quốc kỳ.
Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm ở phía Tây của New Guinea. Người dân địa phương này có tập quán và văn hóa khác biệt với phần còn lại của Indonesia. Năm 1969, Papua sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu do Liên hợp quốc bảo trợ.