Theo kế hoạch được đề xuất, thủ đô của Indonesia sẽ được chuyển từ hòn đảo Java đông đúc tới tỉnh Kalimantan trên đảo Borneo.
Tổng thống Widodo đã đưa ra đề xuất trên trong bài phát biểu tại Quốc hội một ngày trước khi Indonesia tổ chức kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh.
"Tôi ở đây đề nghị quý vị cho phép chuyển thủ đô của chúng ta tới Kalimantan", ông Widodo nói. "Một thành phố thủ đô không chỉ là biểu tượng của an ninh quốc gia, mà còn biểu thị cho sự phát triển của đất nước. Kế hoạch này là vì sự nhận thức về công bằng và bình đẳng kinh tế", nhà lãnh đạo Indonesia phát biểu, nhưng không nêu rõ địa điểm chính xác của thủ đô mới.
Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số tới gần 30 triệu người. Tình trạng ách tắc giao thông đang là nguyên nhân gây thiệt hại tới 7,04 tỷ USD kinh tế hàng năm của Jakarta. Hơn nữa, do vị trí nằm ở vùng đất thấp, thủ đô quốc gia vạn đảo này rất dễ bị ngập lụt khi triều cường.
Để đưa ra quyết định trên, Tổng thống Widodo cũng phải tính đến thực tế rằng gần 60% trong tổng số 260 triệu dân của nước này đang sống tại Java và các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung tại khu vực này.
Video cho thấy thủ đô Jakarta đang lâm vào tình trạng quá tải vì dân số đông (Nguồn: CNA):
Trước đây, Jakarta từng là cố đô của vương quốc Sunda thời Trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô trên thực tế của các nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập. Thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần vào nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm. Mật độ đường sá giao thông trong thành phố thấp đáng kể so với các thành thị khác trên thế giới, gây ra tình trạng kẹt xe gần như kinh niên.
Tổng thống Joko Widodo đã cho thực hiện một cuộc khảo sát do Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (BAPPENAS) đảm trách, để nghiên cứu chọn một địa điểm mới có thể ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo để làm thủ đô. Nơi có nhiều tiềm năng nhất là Palangkaraya, một thành phố thuộc tỉnh Kalimantan, mà trước đó cựu Tổng thống Sukarno từng mong muốn thay thế cho Jakarta làm thủ đô của Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo đã coi xây dựng cơ sở hạ tầng là một ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, với các dự án trị giá hàng tỉ USD được đầu tư trên cả nước. Lịch trình của kế hoạch táo bạo di dời thủ đô được đưa ra trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà lãnh đạo Indonesia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại phía trước, với những tiếng nói chỉ trích và nghi ngờ về năng lực cũng như động cơ của chính phủ khi quyết định dời thủ đô.
Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Bambang Brodjonegoro cho rằng đã đến lúc Indonesia phải tự cứu mình. Thủ đô mới theo đề xuất sẽ tọa lạc trên đảo Kalimantan, trung tâm địa lý của đất nước, và dường như an toàn hơn trước các nguy cơ thảm họa thiên nhiên. Đây cũng là cơ hội cho những vùng đất “bị lãng quên” và người dân trên quần đảo.
“Chuyển thủ đô là một phần của chiến lược giảm bớt bất bình đẳng, đặc biệt là bất bình đẳng giữa Java và những khu vực bên ngoài Java. Gánh nặng của Java đã quá lớn, vì thế lúc này chúng ta hiểu rằng cần phải cứu Java”, ông Bambang nói. “Chúng tôi muốn đa dạng hóa. Chúng tôi muốn tạo ra những động lực tăng trưởng mới”.
Hiện nay chi tiết của nghiên cứu khả thi về dự án vẫn được giữ bí mật, và cũng chưa có những cuộc thảo luận công khai.
Chuyên gia Ben Bland cho rằng Indonesia cần rút ra bài học từ những kinh nghiệm cả tốt và dở của các quốc gia khác đã từng hoặc có ý định di dời thủ đô, trong đó có Brazil, Myanmar, Malaysia và Ai Cập.
Một số nước đã thành công khi phi tập trung hóa được các thủ đô đông đúc, trong khi có những dự án bị bỏ dở, biến thành những thành phố ma.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về tác động sinh thái, môi trường ghê gớm của việc di dời thủ đô. "Nếu một thành phố thủ đô mới được xây dựng ở đây, chức năng của khu rừng sẽ thay đổi. Việc phát triển các khách sạn, trung tâm mua sắm sẽ cần phải phá bỏ nhiều vùng đất rộng lớn. Chúng tôi phản đối kế hoạch này", ông Hafidz Prasetyo, nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức phi chính phủ Walhi ở Đông Kalimantan lên tiếng trên kênh Channel News Asia. "Tốt hơn là chính phủ nên suy nghĩ lại về kế hoạch. Hãy cân nhắc đến điều kiện và tương lai của rừng, vì sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác nữa".
Ý tưởng di dời thủ đô không phải là mới. Trên thực tế, đã có nhiều đề xuất dời thủ đô khỏi Jakarta trong lịch sử hiện đại của Indonesia. Tổng thống lập quốc Sukarno từng có ý định di dời thủ đô tới địa điểm mới từ thập niên 1950, ngay những năm đầu Indonesia giành được độc lập.