Khi dịch bùng phát năm 2020, biện pháp hạn chế đi lại đã nhanh chóng được áp đặt trên diện rộng ở nhiều nước. Theo một đánh giá, chưa bao giờ trong lịch sử, việc đi lại trên toàn cầu bị hạn chế "một cách mạnh tay" như vậy: giảm khoảng 65% hoạt động đi lại trong nửa đầu năm 2020. Hơn một năm sau, khi các nước bắt đầu thử nghiệm mở cửa trở lại các đường biên giới với "hộ chiếu vaccine", các chiến dịch kích cầu du lịch cũng như một loạt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan, một loạt các hạn chế vẫn tiếp tục được thực thi. Nhưng rất ít quốc gia có thể đạt thành quả như Việt Nam trong thời đại dịch: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình đầu người đạt 2.700 USD. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt 2,91%, nằm ngoài mọi dự báo của các chuyên gia kinh tế và Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á trong năm ngoái.
Theo bài báo, các chuyên gia y tế toàn cầu nhận định chính các biện pháp hạn chế đi lại một cách nghiêm ngặt kết hợp với cách ly bắt buộc và truy vết tiếp xúc đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch. Giáo sư về y tế cộng đồng Kelley Lee, trường Đại học Simon Fraser, người nghiên cứu về tác động của các biện pháp hạn chế đi lại, nhận định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam ứng phó nhanh hơn và đồng bộ trong cả nước so với các nước khác.
Các biện pháp quyết liệt của Việt Nam được thực hiện rất sớm. Ngay từ đầu tháng 1/2020, khi Trung Quốc thông báo dịch bệnh lạ, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố hướng dẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Đến cuối tháng này, lệnh cấm mọi chuyến bay đến và từ Vũ Hán và các địa phương khác có dịch bệnh tại Trung Quốc chính thức có hiệu lực, mọi tuyến giao thông vận tải với Trung Quốc cũng tạm ngừng. Việt Nam cũng là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á không nhập cảnh người tới từ Trung Quốc.
Đến giữa tháng 3, Việt Nam đã ngừng cấp thị thực cho mọi khách nước ngoài và sau đó ngừng toàn bộ các chuyến bay thương mại. Theo giáo sư chuyên ngành y tế công Karen Grepin, Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cách xử lý của Việt Nam là bài học về giá trị của các biện pháp kiểm soát biên giới. Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Y học nhiệt đới và dịch tễ London, ông Mark Jit khẳng định các biện pháp hạn chế dường như phát huy tác dụng tốt nhất khi được thực thi vào lúc chúng có vẻ đang gây hậu quả quá mức, tức là trước hoặc sau khi xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng. Theo ông, các biện pháp hạn chế đi lại trên chính là giải pháp để ngăn chặn kịch bản tồi tệ xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Sarah Bales người Mỹ, sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1992, nhận định "Việt Nam có cách tiếp cận rất khoa học và phù hợp" trong phòng dịch. Quan sát tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng tại Mỹ và châu Âu, bà Bales bày tỏ sự yên tâm khi được sống tại Việt Nam. Cũng như nhiều người nước ngoài khác đang sống ở Việt Nam, bà nhấn mạnh việc phải bớt đi quyền riêng tư và một phần tự do cá nhân để có được một cuộc sống tương đối thoải mái và an toàn ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành là hoàn toàn thỏa đáng.