Tờ Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã đưa ra lời cáo buộc trên trong một bài xã luận đăng ngày 4/10 trước thềm chuyến thăm Bình Nhưỡng vào cuối tuần này của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Tờ báo trên nhấn mạnh Mỹ có thể chẳng nhận được gì từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt (đối với Triều Tiên) và chính Mỹ chứ không phải nước nào khác sẽ bị đặt vào tình thế bất lợi. Tờ báo viết: "Như trước đây, chúng ta sẽ không bao giờ cầu xin Mỹ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt này".
Báo trên cho rằng phi hạt nhân hóa là một thành quả đạt được dựa sự tin tưởng giữa hai nước. Do vậy, các biện pháp trừng phạt là căn nguyên gây ra sự ngờ vực ngày càng tăng giữa hai nước. Theo báo trên, thái độ của Mỹ khi chỉ nói về các biện pháp trừng phạt đang phủ bóng đen lên nỗ lực gây dựng lòng tin cũng như cải thiện các mối quan hệ, và có thể đưa "mọi việc trở lại điểm xuất phát ban đầu".
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ 4 trong năm nay nhằm tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cuối tháng 9 vừa qua, Nhà Trắng tiết lộ thông tin Washington đang thu xếp để có thể tổ chức cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng gửi thư đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh khác sau cuộc gặp lần đầu vào tháng 6 tại Singapore. Tại cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết nỗ lực hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Tổng thống Trump hứa hẹn đảm bảo an ninh từ phía Mỹ cho Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa chưa đạt tiến bộ và Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ luôn đơn phương đưa ra đòi hỏi mà chưa thực hiện các cam kết.
Liên quan tới Triều Tiên, ngày 4/10, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui, phụ trách các vấn đề vũ khí hạt nhân và đàm phán với Mỹ, đã rời Bình Nhưỡng bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và Nga.
Dù Chính phủ Triều Tiên không công bố mục đích chuyến thăm, giới phân tích cho rằng Thứ trưởng Choe Son Hui có thể tận dụng chuyến thăm này để tìm kiếm sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đồng minh truyền thống của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng mong muốn thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Trong các cuộc đàm phán do Washington đề xuất, quan chức ngoại giao Triều Tiên này được xem là người đồng cấp với đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. Tháng 8 vừa qua, bà đã có cuộc hội đàm với Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới liên Triều. Không chỉ là đại diện của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Mỹ, Thứ trưởng Choe Son Hui còn là một nhà ngoại giao kỳ cựu từng tham gia các cuộc đàm phán đa phương về tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên vốn đang tạm dừng.
Chuyến thăm Nga và Trung Quốc của bà Choe Son Hui diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến thăm Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 7/10 để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa. Trong chuyến thăm này, ông Pompeo cũng dự định thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore hồi tháng 6.