Thực tế này cho thấy dù Chính phủ Australia tăng cường từ chối thị thực sinh viên, lượng du học sinh đến quốc gia này vẫn tăng kỷ lục. Trước đó, để giảm số lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng, Chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã khởi xướng các biện pháp được nêu trong đánh giá di trú, bao gồm nâng cao yêu cầu về tiếng Anh đối với thị thực sinh viên quốc tế và ban hành một bài kiểm tra “sinh viên chân chính” để ngăn cản những người không thực sự đến Australia để học.
Dù số lượng sinh viên quốc tế cao kỷ lục, song dữ liệu của Chính phủ Australia cũng cho thấy số lượng thị thực sinh viên bị từ chối cũng tăng vọt, với hơn 50.000 đơn đăng ký bị từ chối trong 3 tháng tính đến tháng 2/2024. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp vội vàng nhằm giảm số lượng sinh viên quốc tế có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành giáo dục và nền kinh tế nói chung bởi giáo dục quốc tế là một lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Australia, trị giá khoảng 50 tỷ AUD (khoảng 33 tỷ USD) trong năm 2023.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự thay đổi trong xu hướng chọn nơi du học của các sinh viên quốc tế đang chuyển từ các điểm đến lớn như Canada, Vương quốc Anh và Australia sang các quốc gia nhỏ hơn như New Zealand, Đức và Mỹ. Sự thay đổi này diễn ra sau khi Chính phủ các nước Canada, Anh và Australia đưa ra các chính sách hạn chế hơn để quản lý tình trạng gia tăng số lượng sinh viên quốc tế.
Cũng liên quan đến vấn đề di trú, Chính phủ Australia cho biết sẽ áp dụng những chính sách để tập trung thu hút di dân thường trú chứ không phải những người tạm trú ở ngắn hạn. Thủ tướng Albanese đã nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý dân số và đưa ra kế hoạch giảm số lượng di dân thông qua chiến lược di trú. Đồng thời, chính phủ thông báo rằng nhằm ngăn chặn thị thực du lịch được sử dụng như một cách để trốn ở lại Australia, chính phủ sẽ tăng cường áp dụng điều kiện “No further stay” (tạm dịch: Không ở lại thêm) đối với những người giữ thị thực du lịch.