Bất ổn Iraq: Mỹ bắn tín hiệu loại Thủ tướng Maliki

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang phát đi thông điệp: Washington muốn có một chính phủ mới ở Iraq mà không có Thủ tướng Nouri al-Maliki. Lý do là bởi: Lãnh đạo người Shiite này đã không thể hòa giải dân tộc với người Sunni thiểu số, ổn định hóa quốc gia đầy bất ổn chính trị này.

Một quan chức Mỹ tiết lộ: Washington muốn các đảng phái chính trị ở Iraq thành lập một chính phủ mới, loại bỏ Thủ tướng Maliki, sau khi ông này quyết tụ hợp một liên minh lãnh đạo sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua.

Một chính phủ như thế sẽ bao gồm các đại diện của cộng đồng người Sunni và người quốc, có thể sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL) vốn đang nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Iraq, tạo lập sự thống nhất quốc gia, đưa đất nước thoát khỏi phân hóa giáo phái.

Mỹ đã không còn kiên nhẫn chấp nhận ông Nouri al-Maliki. Ảnh: AP


Trong lúc đó, ngày càng có nhiều nghị sĩ Mỹ, cùng các nước đồng minh Arập, nhất là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) đang gây sức ép buộc Nhà Trắng ngừng hậu thuẫn cho ông Maliki. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nữ nghị sĩ Dianne Feinstein hôm 18/6 nói rằng: “Thực tình mà nói, Chính phủ của ông Maliki phải ra đi” nếu như muốn thấy bất kì một sự hòa giải nào ở Iraq.

Cùng lúc, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói thẳng: Rõ ràng là chính phủ Iraq, trong đó có cá nhân ông Maliki, đã điều hành không tốt và đó là một phần nguyên nhân “đưa đến tình hình và khủng hoảng mà chúng ta đang phải chứng kiến ở Iraq hiện nay”. Ông Carney nhấn mạnh: Người dân Iraq sẽ phải quyết định việc thành lập chính phủ liên hiệp mới, chọn ra một vị thủ tướng mới và bất kể ai lên nắm quyền thì cũng cần phải thực hiện được một điều là sẽ không có sự điều hành chia rẽ giáo phái.

Nhiều năm qua, chính quyền Mỹ từng nhiều lần cảnh báo chính quyền do người Shiite chi phối của Thủ tướng Maliki cần phải là đại diện cho mọi sắc tộc, không được có lối hành xử triệt hạ người Sunni thiểu số. Thế nhưng, ông Maliki đã phớt lờ những điều này, tiếp tục không chịu chia sẻ quyền lực và quyền lợi kinh tế với người Sunni, bỏ tù nhiều nhà lãnh đạo biểu tình Sunni.

Hôm 18/6, Iraq đã gia tăng các nỗ lực trên nhiều mặt trận nhằm đẩy lùi đà tấn công của phiến quân, triển khai các đơn vị chống khủng bố cùng với trực thăng vũ trang để quyết giữ mỏ dầu lớn ở Beiji. Thủ tướng Maliki cũng chính thức kêu gọi Mỹ trợ giúp không kích tiêu diệt phiến quân ISIL.

Đáp lại, ông Jay Carney nói: “Điều duy nhất mà ngài Tổng thống loại trừ đó là gửi quân trở lại chiến đấu tại Iraq, song ông tiếp tục cân nhắc các lựa chọn khác”. Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Dempsey, thì cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa quyết định phương án trợ giúp Iraq; và rằng việc tiến hành một chiến dịch không kích là một vấn đề “rất phức tạp” cần phải có thêm thông tin tình báo về các mục tiêu và đối tượng.


Hoài Thanh (Theo WSJ, MW)

Iraq - sự thất bại từ những chính sách
Iraq - sự thất bại từ những chính sách

Gần 3 năm sau khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rút khỏi Baghdad, Iraq lại rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng và có nguy cơ bị xé nhỏ trước sự trỗi dậy bất ngờ của phiến quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN