Theo thống kê của của hãng Nielsen được đài NBC công bố ngày 27/6, cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra vào tối 26/6 giữa 10 trong số 20 ứng cử viên đảng Dân chủ đã thu hút 15,3 triệu khán giả xem truyền hình. Con số này nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích khi sự kiện không có sự tham gia của các ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò như cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng nghị sĩ tự do Bernie Sanders.
Cuộc tranh luận này được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình NBC, MSNBC và Telemuno. Theo NBC, ngoài số khán giả xem truyền hình, sự kiện chính trị này còn thu hút hơn 9 triệu người xem trên Internet. Trước đó, cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên đảng Cộng hòa hồi năm 2016 đã thu hút 24 triệu khán giả, giúp hãng truyền hình Fox News giữ kỷ lục cao nhất về số lượt người xem trong một chương trình truyền hình của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cũng trong tối 27/6, 10 ứng cử viên còn lại của đảng Dân chủ đã bước vào cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai. Đáng chú ý, cuộc tranh luận này có sự tham gia của ứng cử viên sáng giá nhất đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Biden cùng đối thủ thách thức hàng đầu hiện nay của ông là Thượng nghị sĩ tự do Sanders, cũng như các ứng cử viên gần như đứng đầu bảng là Thượng nghị sĩ Kamala Harris và thị trưởng thành phố South Bend thuộc bang Indiana Pete Buttigieg. Tại sự kiện này, các ứng cử viên vẫn tập trung tranh luận về các vấn đề nổi cộm như chăm sóc y tế, người nhập cư bất hợp pháp, bất bình đẳng trong thu nhập, vấn đề chủng tộc, giáo dục….
Đối với các ứng cử viên đảng dân chủ, cuộc tranh luận này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là cơ hội lớn đầu tiên để họ thể hiện quan điểm, kế hoạch và tầm nhìn trong một loạt các vấn đề, cũng như tung ra những "cú đòn" nhằm vào Tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa Donald Trump để giành được sự ủng hộ của cử tri và có được những bứt phá khi bước vào giai đoạn mang tính bước ngoặt đầu tiên này. Để được tham dự tranh luật, các ứng cử viên phải đáp ứng một trong hai tiêu chí, hoặc là nhận được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu là 1% trong 3 cuộc thăm dò dư luận hợp lệ, hoặc nhận được tài trợ của 65.000 nhà tài trợ, trong đó có ít nhất 200 nhà tài trợ ở 20 bang khác nhau.
Bầu cử Tổng thống Mỹ là một quá trình khá phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng kéo dài nhất thế giới. Quy trình bầu cử gồm 2 giai đoạn chính, trong đó giai đoạn đầu tiên là bầu cử sơ bộ để chọn ra các ứng cử viên chính thức đại diện các đảng. Ở giai đoạn này, các ứng cử viên cạnh tranh trong nội bộ đảng mình, với mục đích trở thành người đại diện duy nhất của đảng ra tranh cử tổng thống. Giai đoạn vận động tiến cử kéo dài từ tháng 1 tới tháng 6 của năm diễn ra cuộc bầu cử. Ứng cử viên chiến thắng trong cuộc vận động sẽ tiến cử chọn ra một người để lập liên danh cùng tranh cử với mình. Giai đoạn thứ hai là tổng tuyển cử để bầu tổng thống trong số các ứng cử viên. Theo đó, sau khi các đảng đã chọn xong đại diện của mình làm ứng cử viên tổng thống cho cuộc bầu cử, ứng cử viên của các đảng sẽ tiếp tục vận động tranh cử để chạy đua vào Nhà Trắng.