Biểu tượng của Tập đoàn dược phẩm và hóa chất Bayer (trái) và biểu tượng của công ty chuyên về hạt giống biến đổi gen Monsanto (phải). Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt ngày 5/6, Giám đốc điều hành Bayer Werner Baumann cho biết với thương vụ mua lại Monsanto, hãng muốn đóng góp một phần giải pháp cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thế giới vốn đang đối mặt với các nguy cơ ngày một tăng. Theo Bayer, giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực nằm ở ứng dụng các công nghệ như hạt giống biến đổi gien có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, việc ứng dụng này vấp phải nhiều nghi ngại và phản đối từ các nhà hoạt động môi trường, những người lo ngại tác động tiêu cực đến sức khỏe của các sản phẩm biến đổi gien.
Tháng 9/2016, Bayer đã thông báo về việc mua lại Monsanto với trị giá 66 tỷ USD. Thương vụ này sẽ cho phép tập đoàn của Đức thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất- kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống, đồng thời tạo ra đế chế sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống lớn hàng đầu thế giới. Sau khi ký kết, thương vụ Bayer-Monsanto sẽ tạo ra một tập đoàn toàn cầu với 115.000 nhân viên và doanh thu hàng năm lên tới 45 tỷ euro (53 tỷ USD).
Hồi tháng 8/2017, Liên minh châu Âu (EU) từng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về thương vụ này do lo ngại rằng vụ thâu tóm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh về thuốc trừ sâu, hạt giống hay một số hoạt động khác về nông nghiệp. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, EU đã thông qua thương vụ trên sau khi nhận được một số nhân nhượng từ Bayer, trong đó có việc Bayer hồi tháng 10/2017 thông báo bán mảng kinh doanh nông hóa học cho tập đoàn đối thủ BASF của Đức.
Giới quan sát nhận định việc thâu tóm Monsanto mang lại cho Bayer các cơ hội lớn tuy nhiên cũng đi kèm các rủi ro về mặt danh tiếng. Nhiều sản phẩm hạt giống biến đổi gien của Monsanto trước đó từng bị phản đối gay gắt tại châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.