Hội nghị đã ra Tuyên bố chung Yerevan, bầu Tổng Thư ký mới, chuyển giao chức Chủ tịch cho nước chủ nhà HNCC 17 Armenia và kết nạp các thành viên mới. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, tham dự phiên toàn thể và nhiều phiên họp song phương bên lề hội nghị.
Trong các phiên thảo luận toàn thể, hội nghị tập trung vào các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế và tại các nước Pháp ngữ, các chiến lược, chương trình và biện pháp nhằm thúc đẩy các giá trị chung gắn kết các nước Pháp ngữ như hòa bình, đoàn kết, tôn trọng đa dạng, hợp tác, phát triển. Hội nghị cũng dành một phiên để trao đổi về vai trò và đóng góp của Pháp ngữ đối với hệ thống đa phương trong việc giải quyết những thách thức về an ninh và kinh tế, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Lãnh đạo nhà nước và chính phủ của 84 nước thành viên Pháp ngữ đã thông qua nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới, từ các lĩnh vực hòa bình, an ninh, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, giáo dục, đến hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, như Lời Kêu gọi cùng chung sống Pháp ngữ, Tuyên bố Yerevan, Chương trình Hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2019-2022, Chiến lược Bình đẳng nam - nữ, các nghị quyết về tình hình chính trị và hòa bình trong không gian Pháp ngữ, về sự tham gia văn hóa, về chuyển giao kiến thức, về kỷ niệm 25 năm các Nguyên tắc Paris, về giáo dục công dân và về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Tuyên bố Yerevan tái khẳng định sự gắn bó của các nước thành viên đối với tiếng Pháp, nền tảng của Cộng đồng Pháp ngữ, và đối với việc tôn trọng đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, khẳng định lại cam kết của cộng đồng trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế bình đẳng, công bằng, dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng và xung đột trong không gian Pháp ngữ, khuyến khích đối thoại, trung gian và hòa giải để đạt được một giải pháp cho các cuộc khủng hoảng và xung đột này; ủng hộ sự tham gia hơn nữa của phụ nữ trong việc phòng ngừa và giải quyết xung đột.
Trong Nghị quyết về ngăn ngừa khủng hoảng, xung đột và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ, lãnh đạo nhà nước và chính phủ các nước Pháp ngữ đã tiếp tục đề cập đến vấn đề Biển Đông, bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông trong thời gian qua, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc thực chất và có hiệu lực về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hội nghị đã bầu bà Louise Mushikiwabo, Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda, làm Tổng Thư ký mới của OIF, thay bà Michaëlle Jean hết nhiệm kỳ. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 vào năm 2020 tại Tunisia.
Hội nghị đã chứng kiến việc bàn giao vị trí Chủ tịch từ Madagascar cho Armenia và thông qua quyết định kết nạp Ireland, Gambia, Malta, bang Louisianna của Mỹ làm quan sát viên, nâng tổng số thành viên của OIF lên 88 thành viên, đồng thời phê chuẩn việc chuyển đổi quy chế từ quan sát viên lên thành viên liên kết của Kosovo, Serbia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).