Belarus hy vọng 'kiếm' được từ xung đột Nga-Ukraine

Với hy vọng "kiếm" được từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Báo Độc lập (Nga) cuối tuần qua cho biết Belarus đang chuẩn bị bắt tay sản xuất các thiết bị quân sự.

Belarus cũng đã công bố bắt đầu một giai đoạn mới trong sự phát triển các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Quốc gia này không chỉ có kế hoạch củng cố sức mạnh quân đội, mà còn phấn đấu để trở thành một nước xuất khẩu vũ khí chính.

Sắp tới sẽ xuất hiện máy bay Made in Belarus tại Minsk. Ảnh: Mil.by


Cụ thể, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko đã tuyên bố kế hoạch tự chế tạo máy bay, máy bay trực thăng và xe bọc thép. Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng Belarus đang nỗ lực nhằm có thể "tranh thủ" tối đa cuộc xung đột Nga - Ukraine, những mong có thể tăng thu nhập quốc gia từ các hợp đồng chế tạo thiết bị quân sự cho Nga.

Phát biểu khi đi thăm Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 tại Baranovichi (thuộc tỉnh Brest), ông Lukashenko tuyên bố: "Chúng ta cần phải đi trước một bước và phải độc lập phát triển các sản phẩm quốc nội mới theo đúng nhu cầu của thị trường. Trước hết, Belarus nên tự chế tạo máy bay và máy bay trực thăng".

Cần nhớ rằng cách đây không lâu, Tổng thống Alexander Lukashenko còn "than phiền" thiếu vốn để mua thiết bị quân sự mới và khuyến khích hiện đại hóa cũng như tận dụng và sửa chữa các thiết bị quân sự sẵn có. Nay lời kêu gọi nêu trên của tổng thống Belarus chứng tỏ ông đã thay đổi suy nghĩ, và đương nhiên, điều này ít nhiều được quyết định bởi câu chuyện "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa Nga và Ukraine. 

Ông Lukashenko đồng thời cũng nhấn mạnh "Belarus cần phải trông gương Ukraine, phải duy trì sức mạnh quân sự, để không lặp lại những câu chuyện buồn của người anh em Ukraine". Theo Tổng thống Belarus, quân đội Ukraine hầu như đã không làm được gì khi cần phát huy sức chiến đấu. Theo tuyên bố của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych, Ukraine có tới 250.000 lính bộ binh cách đây đúng một năm, song khi cần, thì dường như không rõ số binh sĩ này ở đâu. Các nhà lãnh đạo Belarus rất tự hào về tiềm lực quốc phòng đất nước. Họ luôn chú trọng củng cố khả năng phòng thủ, và những sự kiện gần đây đã chứng minh rằng "quân đội là lực lượng tối cần thiết đối với mọi quốc gia".

Mới đây, đích thân Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, kiêm Chủ tịch Ủy ban công nghiệp-quốc phòng trực thuộc Chính phủ, đã tới Minsk đề nghị Belarus hợp tác, tiếp nhận thực hiện các hợp đồng quân sự với Nga, vốn đang bị bỏ trống bởi Ukraine. Nga cũng đề nghị hợp tác giúp Belarus phát triển các khu phức hợp quân sự - công nghiệp. Điều này khiến không khó để dự đoán chắc chắn Belarus sẽ gặt hái những thắng lợi kinh tế nhất định, khi bỗng dưng được hưởng "thừa kế" từ Kiev.    

Nga và Ukraine từ trước đến thời gian gần đây có mối liên kết thương mại chặt chẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong một số dự án chế tạo tên lửa và máy bay trang bị cho Quân đội Nga. Chính vì lẽ phụ thuộc khá nhiều vào linh kiện sản xuất từ các công ty Ukraine trong ngành công nghiệp hàng không và tên lửa, trước lệnh cấm vận từ Kiev, Nga đang phải khẩn trương tìm kiếm đối tác thay thế, và Belarus là một trong những đối tác mà Nga nhắm tới. Đáp lại đề nghị từ phía Nga, đương nhiên Minsk cũng hết sức hoan nghênh chào đón lời đề nghị này. Một điều duy nhất khiến chính Belarus quan ngại là liệu họ sẽ dựa vào đâu để có thể "lấp đầy khoảng trống" mà Ukraine để lại trong mối quan hệ hợp tác công nghiệp-quốc phòng Nga - Ukraine. Dư luận cũng đang dõi theo những bước đi mới này của Nga.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)

Belarus có đủ khả năng nhận “thừa kế” khổng lồ từ Ukraine?
Belarus có đủ khả năng nhận “thừa kế” khổng lồ từ Ukraine?

Belarus đang ở thế “ngư ông đắc lợi” khi bỗng nhiên nhận được lời đề nghị từ phía Nga thế chỗ cho Ukraine trong các đơn đặt hàng quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN