Tờ Daily Mail đưa tin ít nhất 1,4 triệu người Israel đã được tiêm vaccine Pfizer phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tương đương gần 1/6 nền dân số 8,7 triệu người, trong chưa đầy 3 tuần triển khai.
Chỉ riêng hôm 4/1 đã có gần 146.000 dân Israel được tiêm vaccine tại các sân vận động với sự trợ giúp của binh sĩ quân đội. Con số này thậm chí còn nhiều hơn một số nước phương Tây như Italy, Tây Ban Nha và Canada cộng lại. Khoảng 12% dân số quốc gia Trung Đông này đã được tiêm ngừa, nhiều vượt bậc so với con số 1% tại Mỹ.
Theo bảng thống kê trên www.ourworldata.org,với tỷ lệ 11,55 người/100 dân, Israel đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm phòng vaccine COVID-19. Đứng thứ hai là Bahrain với tỷ lệ 3,49%, tiếp đến là Anh với 1,47%. Theo bảng thống kê này, mặc dù Mỹ, Trung Quốc và Anh đều đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại các nước này vẫn thấp, chỉ đạt 0,84% với Mỹ, 0,31% với Trung Quốc và 1,47% với Anh. Tại rất nhiều quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh khác ở châu Âu, tỷ lệ này cũng đạt rất thấp, thậm chí không đáng kể.
Đất nước này cũng cho phép bộ phận dân số trẻ tuổi hơn được tiêm chủng, nếu như họ chờ ở bên ngoài các trạm tiêm đến cuối ngày. Khi đó, nhân viên y tế sẽ dồn các phần thuốc quý giá thừa lại sau mỗi liều tiêm để dùng cho người trẻ tuổi. Trên 100.000 người Israel trong độ tuổi từ 20 – 40 đã được tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, người dân Israel sẽ nhận được “hộ chiếu xanh” kỹ thuật số cho phép họ được ngoại lệ khỏi một số quy tắc giới hạn nhất định khi tiêm đủ hai liều vaccine. Tổng vụ trưởng Y tế Israel Hezi Levy nhận định khoảng 1/5 dân số nước này sẽ tiêm đủ hai liều vào cuối tháng 1. “Vào cuối tháng này, chúng tôi sẽ tiêm được 2 triệu dân, đa số là người cao tuổi”, ông tuyên bố.
Xem video không khí tiêm chủng khẩn trương tại Israel (Nguồn: Daily Mail):
Một số y tế cũng thử gia tăng tính hiệu quả của việc tiêm vaccine bằng cách chiết xuất 6 liều từ mỗi lọ vaccine thay vì 5 liều như quảng cáo. Để tránh lãng phí thuốc, những đối tượng nằm ngoài nhóm dễ bị virus SARS-CoV-2 tấn công sẽ được tiêm phần thuốc dự phòng còn lại nếu họ có nhu cầu.
Ngược lại, việc triển khai tiêm chủng ở châu Âu và châu Mỹ lại bị cản trở bởi những sai lầm ngớ ngẩn trong khâu bảo quản hoặc vận chuyển, khiến nhiều liều vaccine Pfizer phải bị tiêu hủy.
Ngày 19/12/2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trở thành công dân Israel đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19. Một ngày sau đó, đích thân Tổng thống Reuven Rivlin cũng đi tiêm phòng trong ngày đầu tiên chương trình tiêm chủng chính thức được triển khai.
Chính phủ Israel đặt mục tiêu trong những ngày đầu tiên sẽ tiêm 100.000 người/ngày, sau đó sẽ phấn đấu nâng lên 150.000 người/ngày. Đối tượng được ưu tiên bao gồm những người đang làm việc trong ngành y tế, người lớn tuổi và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Với tốc độ này, chỉ đến cuối tháng 1/2021 là Israel có thể thực hiện đợt tiêm vaccine nhắc lại, theo đó sẽ thực hiện xong toàn bộ chiến dịch chỉ trong vài tháng.