Giật mình vì tiếng gõ cửa, Parasto Hakim nhanh chóng nhìn lướt qua lớp học. Các thành viên của lớp đều đã có mặt đông đủ. Cách một cánh cửa bên ngoài chỉ có thể là lực lượng Taliban.
Tim đập thình thịch, Hakim mở cửa thì thấy ít nhất 5 thành viên của nhóm chiến binh Afghanistan yêu cầu kiểm tra xem cô có vi phạm bất kỳ quy định điều luật nào không. Đây là một lớp học bí mật, được thành lập để dạy các nữ sinh bất chấp lệnh cấm giáo dục nữ do Taliban áp đặt kể từ khi họ giành lại quyền kiểm soát Afghanistan hai năm trước.
Hakim ngay lập tức ra tín hiệu cho học sinh sử dụng các giao thức bảo mật của lớp. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình và học sinh, Hakim đã hướng dẫn họ cách ứng phó với cuộc thanh tra của Taliban.
“Tôi đã bảo các cô gái im lặng, nhắm mắt lại và không nói chuyện ngay cả khi Taliban nói chuyện trực tiếp với các bạn. Vì vậy, khi Taliban đặt câu hỏi, các cô gái chỉ nhìn tôi và tôi phải trả lời. Lúc đó tôi rất sợ hãi”, Hakim chia sẻ với phóng viên đài CNN.
Hakim cho biết Taliban đã cố gắng thuyết phục các cô gái nói chuyện nhưng họ vẫn im lặng. Các tay súng bắt đầu la hét vào mặt cô và tìm cách đe dọa cô và một giáo viên khác. Nhưng kết quả là không thu được điều gì và họ bỏ đi.
Hakim điều hành SRAK, một mạng lưới trường học bí mật cho khoảng 400 nữ sinh trên khắp 8 tỉnh của Afghanistan với sự giúp đỡ của 150 giáo viên và nhân viên.
Giao ước bị phá vỡ
Mùa hè năm 2021, Hakim kinh hãi chứng kiến xe tăng của Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Lần này, nhóm tuyên bố sẽ có một chính phủ tiến bộ hơn so với chế độ cai trị trước đây từ năm 1996 đến năm 2001.
Tại một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi tiếp quản, lãnh đạo cấp cao của Taliban khẳng định phụ nữ và trẻ em gái sẽ được bảo vệ khỏi bạo lực và được giáo dục sẽ vẫn là quyền của tất cả mọi người.
“Họ nói những lời giống hệt như trước đây, nói rằng họ sẽ tạo cho Afghanistan một môi trường theo luật Sharia và các giá trị Hồi giáo, rằng các bé gái trở lại trường học và phụ nữ sẽ có thể làm việc và theo học đại học. Tôi tự nghĩ, họ đang nói dối, họ sẽ không thay đổi và sẽ không bao giờ cho phép phụ nữ đi học nữa”, Hakim nói.
Những lời hứa hẹn của Taliban sớm bị phá vỡ. Các bé gái không được phép đi học quá lớp 6 và bị cấm học đại học. Tháng 12 năm ngoái, tất cả tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc, đã được lệnh không cho nhân viên nữ đến làm việc. Năm nay, Taliban ra lệnh đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện trên khắp đất nước, một ngành với hơn 60.000 phụ nữ là người lao động.
Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 6, Liên hợp quốc miêu tả những lệnh cấm của Taliban là “phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ” và cho biết những quy định này có thể bị gán vào tội “phân biệt chủng tộc về giới” và “tội ác chống lại loài người”.
Video lớp học bí mật của các cô gái Afghanistan (nguồn: CNN):
Đài truyền hình CNN đã yêu cầu Taliban bình luận về lý do tại sao trẻ em gái và phụ nữ bị cấm tiếp cận các cơ hội giáo dục nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hakim cho biết việc tiếp tục dạy dỗ cho các bé gái là cách duy nhất để chống lại Taliban.
Lấy cảm hứng một phần từ bộ phim tài liệu năm 1996 của Mỹ có tựa đề “Trận chiến ở Afghanistan”, Hakim quyết định thành lập mạng lưới trường học bí mật cho một thế hệ nữ sinh Afghanistan mới.
Đêm đó, Hakim cho biết cô đã gọi điện liên tục đến những người quen của mình để yêu cầu giúp đỡ. Trong số đó có người bạn cũ của cô, Maryam.
“Ít nhất chúng ta phải bắt đầu một điều gì đó để các cô gái tập trung và có không gian chung bí mật để học. Tôi có tất cả các nguồn lực bạn cần. Tôi chỉ cần bạn mở rộng nó. Tôi làm việc để có đủ tiền mua sách, sổ ghi và mọi thứ chúng tôi cần cho các lớp học”, Hakim nói với Maryam.
Maryam, một nhà giáo dục đã qua đào tạo, cho biết khi nghe tin từ Hakim, cô rất sẵn lòng giúp đỡ và muốn thoát khỏi những lệnh cấm của Taliban. Sau khi lực lượng này áp đặt lệnh cấm giáo dục trẻ em gái, Maryam nói rằng cô bị mắc kẹt ở nhà và cảm thấy mình giống như một “thây ma”, không có gì để làm và không có nơi nào để đi. Cô cho biết tình trạng này khiến cô phải chịu đựng sự lo lắng và trầm cảm nghiêm trọng.
Maryam cho biết khi thông tin về trường lan truyền, nhiều học sinh bắt đầu đăng ký học hơn và cô các cô gái cảm giác nhẹ nhõm khi được đi học để thoát khỏi áp lực ở nhà.
“Một số nữ sinh không chịu ở nhà vào những ngày nghỉ lễ, ngay cả khi không có giáo viên ở trường, các em vẫn xin tôi cho vào học. Điều đó cho thấy họ tuyệt vọng đến mức nào khi muốn trốn khỏi sự căng thẳng lúc ở nhà và suy nghĩ về việc họ bị tước đoạt quyền lợi như thế nào”, Maryam cho hay.
Trong một lớp học bình thường của Maryam, khoảng 30 cô gái ngồi chen trong một căn phòng nhỏ để học mọi thứ từ tiếng Anh, toán, khoa học và cắt may.
Như sống trong ngục tù
Một trong những học sinh của Maryam, Fatima (16 tuổi) nằm trong số rất nhiều cô gái và phụ nữ cảm thấy chán nản và lo lắng khi chỉ quẩn quanh trong nhà do lệnh cấm của Taliban.
Fatima hồi tưởng: “Tôi cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội. Cảm giác giống như một tù nhân, chỉ được phép ăn uống mà không được phép làm bất cứ điều gì khác. Ngồi ở nhà mà không có học vấn, chúng tôi không thể làm được bất cứ điều gì. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bằng cách học hành, tôi muốn thực hiện ước mơ của mình”.
Với sự hỗ trợ của gia đình, Fatima đã tìm ra các lớp học bí mật do Maryam và những người khác giảng dạy. Cô yêu thích may vá và mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.
Đối với Yalda, một nữ sinh khác, việc tiếp tục học tập đã chứng tỏ là một cứu cánh. Cô gần như đã từ bỏ ước mơ trở thành một kỹ sư.
“Đó là một chiếc phao cứu sinh giúp tôi thoát khỏi những nỗi lo và trầm cảm mà tôi cảm thấy khi ở nhà”, nữ sinh 14 tuổi chia sẻ.
Yalda, Fatima, Maryam và vô số những người phụ nữ khác đang mơ về một tương lai không có Taliban và chuẩn bị cho ngày họ có thể bước ra khỏi bóng tối.
Trở lại ngôi trường bí mật, Maryam biết được Taliban đang kiểm tra các hoạt động bất hợp pháp ở các khu vực lân cận và lo ngại họ có nguy cơ bị bắt. Cô vẫn cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh các tay súng gõ cửa hỏi thăm.
“Tôi luôn cảm thấy sợ hãi. Nhưng đồng thời, tôi bước tiếp với hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Có một sức mạnh át đi nỗi sợ hãi, đó là niềm hy vọng của chúng ta về tương lai”, Maryam nhấn mạnh.