Theo hãng tin AP, vẫn chưa chắc chắn đây có phải là ca mắc COVID-19 lâu nhất trên thế giới hay không, vì không phải ai cũng được xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm thường xuyên như trường hợp này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Luke Blagdon Snell – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Guy’s and St. Thomas, Tổ chức Uỷ thác Dịch vụ y tế quốc gia – ở thời điểm 505 ngày, đây chắc chắn là ca mắc COVID-19 lâu nhất thế giới cho đến nay.
Nhóm nghiên cứu của ông Snell đã lên kế hoạch công bố một số trường hợp mắc COVID-19 dai dẳng tại cuộc họp về các bệnh truyền nhiễm ở Bồ Đào Nha vào cuối tuần này.
Trước đó, các nhà khoa học đã phân tích những đột biến phát sinh và khả năng tiến hóa của các biến thể virus trong cơ thể bệnh nhân mắc COVID-19 dai dẳng trong thời gian dài. Nghiên cứu này liên quan đến 9 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ít nhất 8 tuần. Tất cả bệnh nhân đều có hệ miễn dịch suy yếu do cấy ghép nội tạng, HIV, ung thư hoặc đang điều trị các bệnh khác.
Cụ thể, sau nhiều lần xét nghiệm liên tục, các nhà khoa học cho biết tình trạng mắc bệnh của những bệnh nhân này kéo dài trung bình 73 ngày. Trong đó, 2 bệnh nhân đã nhiễm virus trong hơn 1 năm. Trước đó, các nhà nhà nghiên cứu cho biết trường hợp mắc COVID-19 lâu nhất trên thế giới là 335 ngày, được xác nhận bằng xét nghiệm PCR.
Tình trạng mắc COVID-19 dai dẳng rất hiếm và khác với COVID kéo dài. Ông Snell nói: “Đối với COVID kéo dài, nhiều nghiên cứu cho thấy virus đã không còn tồn tại trong cơ thể, nhưng các triệu chứng vẫn xuất hiện. Còn với COVID-19 dai dẳng, virus vẫn tiếp tục nhân lên trong cơ thể suốt thời gian dài”.
Mỗi lần xét nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích mã di truyền của virus trong cơ thể bệnh nhân để đảm bảo đó là cùng một chủng và người mắc không bị nhiễm bệnh nhiều lần. Tuy nhiên, kết quả giải trình tự gien cho thấy virus đã biến đổi và nhân lên theo thời gian.
Ông Snell cho biết các biến thể ở những bệnh nhân mắc COVID-19 dai dẳng trùng khớp với các biến thể đang lây lan rộng rãi trong cộng đồng. Không có bệnh nhân nào phát triển các đột biến hay hình thành các biến thể đáng lo ngại. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã lây lan virus cho người khác.
Người nhiễm virus lâu nhất đã có xét nghiệm dương tính vào đầu năm 2020, được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesiver và tử vong vào năm 2021. Các nhà nghiên cứu từ chối nêu nguyên nhân tử vong và tiết lộ người này mắc một số bệnh nền khác.
Trong số những người mắc COVID-19 lâu nhất tham gia nghiên cứu, có 5 bệnh nhân vẫn sống sót. Trong đó, 2 người đã khỏi bệnh mà không cần điều trị, 2 người đã qua khỏi sau thời gian được điều trị và một người vẫn còn mắc bệnh. Ở lần tái khám cuối cùng vào đầu năm nay, tình trạng bệnh của người này đã kéo dài 412 ngày.
Trước tình trạng COVID-19 dai dẳng, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước virus SARS-CoV-2 là vô cùng quan trọng. Họ hy vọng sẽ có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả hơn được phát triển để giúp những người mắc COVID-19 dai dẳng đánh bại virus. Ông Snell nói: “Chúng tôi lưu ý rằng có một số người dễ mắc tình trạng nhiễm lâu dài và bệnh nặng hơn những người khác”.
Tiến sĩ Wesley Long, nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist ở Texas, người không tham gia nghiên cứu, cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Ông cho biết mặc dù trường hợp mắc COVId-19 dai dẳng là rất hiếm, song nhiều trường hợp có hệ miễn dịch tổn thương vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng. Và không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được họ là ai. Ông kêu gọi mọi người nên giữ an toàn sau khi các chính phủ dỡ bỏ hạn chế phòng dịch và nên duy trì đeo khẩu trang.
“Đeo khẩu trang nơi đông người là một việc cần làm và là cách hữu ích để chúng ta có thể bảo vệ những người khác”, ông nói.