Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch COVID-19 bùng phát là ngành dịch vụ ăn uống. Thay vì đi ăn ở ngoài, ngày càng nhiều người có xu hướng đặt thức ăn giao đến tận nơi. Điều này khiến giới chuyên gia đự đoán mô hình “bếp đám mây” sẽ trở thành tương lai của ngành ăn uống.
Theo kênh CNN, không giống với bếp ngay tại nhà hàng, "bếp đám mây" hoặc tên gọi khác là "bếp bóng ma" sẽ cung cấp không gian trung tâm nơi các nhà hàng chế biến món ăn dành riêng cho dịch vụ đặt hàng mang đi. Bởi vì không cần thu hút khách qua đường, các gian bếp đám mây này thường có giá thuê mặt bằng thấp hơn nhà hàng vì chỉ cần một nhà kho hoặc bãi đậu xe cũng có thể mở bếp.
Một vài nhà hàng có thể mở chung một không gian bếp chung hoặc bếp chung có thể hoạt động dưới sự kiểm soát của các công ty có hợp đồng nấu ăn trực tiếp cho các nhà hàng hay dịch vụ giao nhận đồ ăn.
Công ty Kitopi tại Dubai điều hành mô hình dạng này. Kitopi được cho là công ty cung cấp bếp đám mây lớn nhất khu vực Trung Đông và đang trong quá trình mở rộng mô hình ra Mỹ và Anh. Công ty này chuẩn bị thực phẩm cho khoảng 100 nhà hàng trên khắp Trung Đông, bao gồm chuỗi nhà hàng quốc tế như Pizza Express. Với trên 1.000 nhân công, công ty sản xuất hơn 200.000 suất ăn một tuần, huy động hơn 80 triệu USD tiền tài trợ kể từ khi thành lập vào năm 2018.
"Khi một thương hiệu tham gia cùngchúng tôi, họ cung cấp cho chúng tôi công thức nấu ăn của họ, đào tạo chúng tôi cách nấu và sau đó chúng tôi nấu nướng từ đầu đến cuối. Nó giống mô hình đại lý nhượng quyền vậy. Bằng cách hợp tác với Kitopi, các nhà hàng tiết kiệm chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng”, người đồng sáng lập Kitopi Saman Darkan giải thích.
Ngoài bếp đám mây, các công nghệ mới được sử dụng để việc ăn uống trở nên an toàn hơn. Cụ thể, các nền tảng tự thanh toán được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo AI như Fastor giúp các nhà hàng thực hiện các hoạt động thường ngày mà không cần tiếp xúc. Khách hàng chỉ cần quét mã QR để xem thực đơn và đặt hàng trực tuyến mà không cần tiếp xúc với người bán hàng, đầu bếp.
Nhà sáng lập Darkan cho biết tại mỗi thành phố mà Kitopi vận hành, ở đó sẽ có một gian bếp trung tâm – nơi phần lớn chuẩn bị nguyên liệu thực phẩm. Sau đó, những thành phần được chuẩn bị sẵn sẽ chuyển đến các gian bếp nhỏ hơn, nằm gần các khu vực dân cư. Ví dụ bánh đã được nướng và salad được cắt sẵn tại các nhà bếp trung tâm. Sau đó, các nguyên liệu được chuyển tới những căn bếp vệ tinh và hoàn thành món ăn trước khi giao tới khách hàng.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International ước tính đến năm 2030, thị trường bếp đám mây có thể trị giá 1 nghìn tỷ USD. Công ty CloudKitchens có trụ sở tại Mỹ đã nhận được hơn 400 triệu tiền gây quỹ. Một công ty khác của Mỹ là Reef đã chế biến thức ăn từ hàng nghìn bãi đỗ xe, trong khi công ty Rebel Foods của Ấn Độ điều hành các nhà bếp đám mây cho hơn 3.000 nhà hàng trực tuyến tại 35 thành phố.
Khi COVID-19 lần đầu xuất hiện, Kitopi chứng kiến một sự sụt giảm nhẹ đối với đơn đặt hàng. Công ty đã sa thải nhân viên và đình chỉ các hoạt động còn mới ở Mỹ và Anh vì "sự bấp bênh của thị trường" cũng như để bảo vệ "sức khỏe và sự an toàn của khách hàng”.
Để thích ứng với đại dịch, hồi tháng 5, công ty ra mắt Shop Kitopi - một cửa hàng tạp hóa trực tuyến cung cấp các mặt hàng thực phẩm trên khắp Dubai. Nhưng nhà sáng lập Darkan tin tác động của COVID-19 đối với các bếp đám mây cuối cùng sẽ trở nên tích cực.
Ông Darkan nói: “Việc phân phối đang trên đà tăng trưởng, khi COVID-19 xảy ra, xu hướng có giảm nhẹ nhưng sau đó tăng trở lại. Ông giải thích ngày càng nhiều khách hàng chọn dịch vụ giao hàng tận nhà để tránh những rủi ro xảy ra khi đi ăn ở ngoài.
Michael Schaefer – nhà quản lý nghiên cứu của Euromonitor International - cho biết doanh thu từ dịch vụ giao đồ ăn toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2014 đến năm 2019. "Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều thử nghiệm hơn đối với bếp đám mây, cho phép phục vụ nhu cầu giao hàng nhiều hơn”, ông Michael kết luận.