Theo Destatis, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có tác động tích cực tới ngành này. Tuy nhiên, doanh thu của các nhà hàng, khách sạn tại Đức trong tháng 5 vẫn giảm 64% so với kỳ năm ngoái. Các khách sạn và cơ sở lưu trú khác đặc biệt chịu tác động mạnh, với doanh thu thậm chí giảm hơn 80% so với tháng 5/2019.
Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội Khách sạn và nhà hàng Đức (DEHOGA), Ingrid Hartges, doanh thu của ngành này vẫn chịu thiệt hại lớn do yêu cầu giãn cách tối thiểu và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được siết chặt. Ông cảnh báo doanh thu sụt giảm mạnh đang đe dọa sự tồn tại của hàng chục nghìn doanh nghiệp và việc làm.
Hiện nay, các khách sạn trong thành phố và khách sạn tổ chức hội nghị cũng như ngành ăn uống cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do các hội nghị, hội chợ thương mại và nhiều sự kiện khách vẫn chưa được tổ chức tại Đức.
Cùng ngày, Phòng Thương mại Canada, Restaurants Canada (hiệp hội quy tụ khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ ăn uống tại Canada), hãng bia Molson Coor, và 15 ban thương mại ở các tỉnh, vùng lãnh thổ và thành phố của Canada đã ký vào thư gửi lên chính quyền các cấp của nước này đề nghị giảm thêm chi phí thuê địa điểm, dừng việc tăng thuế đánh vào đồ uống có cồn, giảm hoặc hoãn thu thuế bất động sản,…
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, các tổ chức này cảnh báo tương lai của ngành nhà hàng - dịch vụ ăn uống sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu chính phủ không điều chỉnh các chương trình (vốn được thiết kế để ứng phó với đại dịch COVID-19) theo hướng giảm nhẹ chi phí hoạt động cho các nhà hàng và khuyến khích người dân quay lại với các hoạt động như trước khi có đại dịch.
Theo Cơ quan Thống kê Canada, trong tháng 6 vừa qua, số người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 33% so với mức trước đại dịch, xuống 820.000 người. Hai tháng trước đó, con số này còn giảm xuống 614.400 người.
Cách đây hai tuần, Restaurants Canada đã khảo sát 947 nhà quản lý trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và được biết hơn một nửa các nhà hàng đã bị thua lỗ do các quy định được áp dụng nhằm phòng chống dịch COVID-19. Andrew Oliver, Giám đốc điều hành Oliver & Bonacini, dự báo nếu không được chính phủ hỗ trợ, một nửa các nhà hàng sẽ phải đóng cửa vào cuối năm nay.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính liên bang, Maéva Proteau thừa nhận một số lĩnh vực, như ngành nhà hàng-dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ông khẳng định Chính phủ Canada sẽ tiếp tục làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tính đến ngày 20/7, tại Canada đã ghi nhận 111.124 ca mắc COVID-19, với 8.858 ca tử vong. Trong một tuần qua, số ca nhiễm mới đã giảm 33% so với tuần trước đó, xuống 2.966 ca.