Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF ngày 13/8, Thủ tướng Scholz cho rằng hội nghị thượng đỉnh về Ukraine ở Jeddah là một sự kiện "rất đặc biệt", đồng thời kêu gọi một nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moskva và Kiev.
"Việc tiếp tục các cuộc đàm phán như vậy là hợp lý vì chúng làm tăng áp lực buộc Nga phải nhận ra rằng cần phải rút quân và làm mọi cách để hòa bình trở thành hiện thực", ông Scholz tuyên bố.
Mặc dù vậy, theo Thủ tướng Đức thì sự kiện ngoại giao này vẫn mới chỉ là sự khởi đầu.
Cuộc họp Jeddah, quy tụ các cố vấn an ninh và các nhà ngoại giao cấp cao từ các quốc gia tham gia, đã không mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào. Trên thực tế, các bên tham gia chỉ đồng ý rằng Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova Moskva đã lên tiếng phản đối hội nghị do Saudi Arabia tổ chức khi nói rằng "không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của Nga thì các cuộc họp về vấn đề Ukraine đều không có giá trị ".
Khi được hỏi về triển vọng hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, Thủ tướng Đức đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp.
"Như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn xem xét mọi quyết định rất cẩn thận, những gì có thể, những gì có ý nghĩa, những gì có thể là đóng góp của chúng tôi", ông Scholz nói.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Đức từ lâu đã phản đối yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp khí tài quân sự. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi từ hồi đầu năm khi Berlin nhượng bộ trước sức ép gia tăng và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba tái xuất xe quân sự do Đức sản xuất cho Ukraine.