Theo hãng tin Reuters, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới Harry Broadman cho rằng các biện pháp trừng phạt mới mà các nước vừa áp đặt với Nga có thể khiến Nga cố gắng tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc và không sử dụng đồng USD.
Ông Broadman nói: “Vấn đề với các lệnh trừng phạt, đặc biệt là trừng phạt một nhà sản xuất dầu như Nga, sẽ là vấn đề thất thoát mang tính hệ thống. Trung Quốc có thể nói: 'Chúng tôi sẽ mua dầu trên thị trường mở và nếu đó là dầu của Nga, hãy cứ mua thôi’”.
Theo sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ngày 21/2, mọi tổ chức trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Nga đều là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Cần lưu ý rằng hơn 80% giao dịch ngoại hối hàng ngày của Nga và một nửa giá trị thương mại của Nga được thực hiện bằng USD.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ hành động mạnh mẽ để đảm bảo rằng hậu quả của các lệnh trừng phạt là nhằm vào nền kinh tế Nga, không phải của Mỹ.
Theo Reuters, điều đó có thể nói dễ hơn làm, đặc biệt khi Nga là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dầu, khí đốt tự nhiên, đồng, nhôm, paladi và các mặt hàng quan trọng khác. Ngày 22/2, giá dầu đã đạt mức cao mới chưa từng thấy kể từ năm 2014.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, Nga chiếm 1,9% thương mại toàn cầu, giảm so với tỷ lệ 2,8% năm 2013. Năm 2020, GDP của Nga đứng thứ 11 trên toàn cầu.
Đánh giá về dữ liệu thương mại Nga của Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ phục thuộc vào thương mại của Nga đã giảm trong 20 năm qua.
Các điểm đến xuất khẩu của Nga cũng đã thay đổi. Hà Lan là điểm đến xuất khẩu hàng đầu cách đây một thập kỷ nhờ hoạt động buôn bán dầu, nhưng Trung Quốc thay thế vị trí đó của Hà Lan. Lượng hàng hóa mà Đức và Anh mua từ Nga phần lớn vẫn ổn định, trong khi Belarus tăng nhập khẩu hàng Nga.
Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng nhập khẩu hàng đầu cho Nga, như điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, đồ chơi, hàng dệt may, quần áo và các bộ phận điện tử nằm trong số các danh mục hàng đầu. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đã tăng kể từ năm 2014, trong khi hàng hóa nhập từ Đức vào Nga giảm rõ rệt.
Xuất khẩu của Ukraine sang Trung Quốc giảm rõ rệt trong thập kỷ qua. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ukraine sang Nga trong năm 2020 là nhôm oxit, thiết bị đường sắt, than, thép và urani.
Sau khi Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine, các nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia đã áp đặt trừng phạt Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và giới tinh hoa trong lĩnh vực này. Ông nêu rõ các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 23/2, được đưa ra có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ.
Anh thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga. Sáng 23/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng công bố các biện pháp trừng phạt Nga, sẽ đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan các khu vực ly khai của Ukraine. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này. Australia cùng ngày thông báo áp đặt trừng phạt Nga liên quan vấn đề trên.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó cấm doanh nghiệp và người dân Mỹ làm ăn kinh doanh tại 2 nước cộng hòa tự xưng mà Nga vừa công nhận.
Văn phòng Tổng thống Pháp ra tuyên bố kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua nghị quyết về việc áp đặt trừng phạt đối với Nga. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết EU có thể ban hành nghị quyết này trong 1-2 ngày tới, cảnh báo sẽ là “gói trừng phạt quy mô lớn”.