Tuần qua, hãng Bloomberg đưa tin EU vẫn đang cấp năng lượng cho nền kinh tế của liên minh này bằng dầu mỏ của Nga bất chấp lệnh trừng phạt. Các quốc gia thành viên hiện được cho là đang mua nhiên liệu bị trừng phạt thông qua dòng chảy tái xuất khẩu từ Ấn Độ.
Vào tháng 12/2022, EU, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và các nước đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời đặt ra mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Tuy nhiên, Ấn Độ không tham gia lệnh cấm trên và thay vào đó lại tăng cường mua dầu chiết khấu cao của Nga.
Trong năm 2022-2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua từ 970.000 - 981.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, chiếm hơn 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả nước là 4,5 - 4,6 triệu thùng mỗi ngày.
Dữ liệu của Kpler và Vortexa cho thấy Ấn Độ không chỉ trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, mà New Delhi còn đang trên đường trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu.
Các nhà máy chế biến của Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để mua dầu giá rẻ của Nga, biến nó thành nhiên liệu và bán lại cho EU với giá cạnh tranh.
Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, nói với Bloomberg: “Dầu mỏ của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt và việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình cho điều đó”.
Theo Kpler, hoạt động nhập khẩu nhiên liệu từ Ấn Độ sang EU sẽ tăng vọt lên trên 360.000 thùng/ngày, vượt qua những lô hàng từ Saudi Arabia.
Dầu diesel là nguồn năng lượng chính của các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế châu Âu. Hơn 1/3 nguồn nhiên liệu đó từng đến từ Nga trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Giờ đây, EU đã ngừng chấp nhận các sản phẩm tinh chế từ Moskva khiến khối này phải tìm nguồn nhiên liệu từ các nhà cung cấp thay thế. Điều đó có nghĩa là chi phí vận chuyển cao hơn và cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nhà máy lọc dầu.
Trong khi đó, lượng dầu thô của Nga đến Ấn Độ dự kiến vượt 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm gần 44% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia châu Á này.