Theo mạng tin Trung Đông al-monitor.com ngày 13/3, trong chuyến thăm chính thức tới Rome vào cuối tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi mối quan hệ song phương đang phát triển giữa Israel và Italy.
Chuyến thăm diên ra trong bối cảnh Israel leo thang căng thẳng với Palestine ở Bờ Tây và khi Chính quyền Mỹ Joe Biden tiếp tục "phớt lờ" việc mời nhà lãnh đạo Netanyahu thăm Washington.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, ông Netanyahu cho biết họ đã thảo luận về cách cả hai nước có thể "nâng lợi ích chung lên tầm cao mới".
Trước cuộc gặp với bà Meloni, ông Netanyahu nói rằng chuyến thăm tới Italy là để "cùng nhau chống lại những nỗ lực của Iran trong việc phát triển bom hạt nhân nhằm vào cả hai nước". Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chung, ông Netanyahu đã không đề cập đến mối đe dọa từ Iran.
"Italy muốn trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng cho châu Âu và nhiều thứ khác. Chúng tôi có thể hỗ trợ điều đó và với trữ lượng khí đốt lớn mà chúng tôi hiện đang xuất khẩu, chúng tôi muốn đẩy nhanh việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Italy", Thủ tướng Netanyahu cho biết.
Ông Netanyahu cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp liên chính phủ tại Jerusalem trong vài tháng tới để các nhóm làm việc chung đề ra kế hoạch hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trả lời phỏng vấn nhật báo La Republica của Italy trước đó, ông Netanyahu cho biết sẽ thuyết phục được Italy công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. "Tôi tin rằng đã đến lúc Rome công nhận Jerusalem là thủ đô của người Do Thái, như Mỹ đã làm với một cử chỉ hữu nghị".
Bà Meloni hiện đứng đầu một chính phủ cánh hữu ở Italy và đang tìm kiếm nguồn tài chính khổng lồ sau đại dịch từ EU, vì vậy gây căng thẳng với Brussels về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không phải là kế hoạch trong tương lai gần. Do đó, bà Meloni đã không nêu vấn đề Jerusalem trong tuyên bố công khai của mình sau cuộc họp.
Chuyến thăm Italy của Thủ tướng Netanyahu là chuyến công du nước ngoài thứ ba của ông sau chuyến đi tới Jordan, nơi ông đã gặp Quốc vương Abdullah, và tới Pháp, nơi ông gặp Tổng thống Emmanuel Macron. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Netanyahu nói rằng hy vọng chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình với tư cách là thủ tướng sẽ đến Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.
Trên thực tế, căng thẳng với Palestine đã cản trở chuyến đi như vậy. Không giống như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Netanyahu vẫn chưa được mời tới Nhà Trắng, điều mà Israel coi là một tín hiệu "đặc biệt tiêu cực" từ phía Washington.
Trong những tuần gần đây, các quan chức cấp cao của Mỹ đã liên tục kêu gọi Israel làm giảm căng thẳng ở Bờ Tây. Với hơn 70 người Palestine bị thiệt mạng ở Bờ Tây kể từ đầu năm nay, chính phủ của ông Netanyahu cũng đang chịu sự chỉ trích liên tục của giới lãnh đạo EU tại Brussels.
Ngoài vấn đề Palestine, nhiều quốc gia ở phương Tây đang chỉ trích Thủ tướng Netanyahu về kế hoạch đại tu lĩnh vực tư pháp do chính phủ của ông đề xuất. Trong chuyến thăm Israel hôm 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gửi một lời cảnh báo rõ ràng tới Israel: “Điều đặc biệt của nền dân chủ, cả nền dân chủ Mỹ và Israel, là đều được xây dựng dựa trên các thể chế vững mạnh, dựa trên cơ chế kiểm tra và cân bằng cũng như dựa trên một nền tư pháp độc lập”.
Tổng thống Macron cũng đã nói những điều tương tự với ông Netanyahu tại cuộc họp của họ ở Cung điện Elysee.
Bị Washington xa lánh, ông Netanyahu đang tìm cách thu hút sự ủng hộ quốc tế ở những nơi khác. Điều này giải thích chuyến thăm 3 ngày của ông tới Italy và chuyến thăm ba ngày sắp diễn ra đến Berlin vào tuần tới.