Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3. Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Theo Outbreak.info, trang web thu thập dữ liệu về các biến thể SAS-CoV-2, tính đến ngày 21/9, biến thể R.1 đã lây nhiễm cho hơn 10.567 người trên khắp thế giới và đã được phát hiện ở 47 bang tại Mỹ. Maryland là bang có số ca nhiễm biến thể R.1 cao nhất, với 399 ca mắc bệnh được ghi nhận kể từ khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ. Tới nay, Mỹ ghi nhận 2.259 ca nhiễm R.1 và biến thể R.1 chiếm khoảng 0,5% số ca mắc COVID-19 tại Mỹ.
Biến thể R.1 cũng đã được phát hiện ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ở Tây Âu. Mặc dù số ca nhiễm biến thể R.1 vẫn ở mức thấp, cựu Giáo sư Trường Y Harvard William A. Haseltine nhận định 5 đột biến được tìm thấy trong R.1 có thể giúp biến thể này dễ lây lan hơn và tăng khả năng chống lại các kháng thể. Điều này đồng nghĩa với việc biến thể R.1 sẽ tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau tiêm vaccine hoặc do từng mắc bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể R.1 chứa đột biến W152L có thể giảm hiệu quả của kháng thể. Đột biến W152L cũng có mặt trong một biến thể nhỏ của biến thể Delta được phát hiện ở Ấn Độ. Biến thể R.1 có chứa “bộ ba” đột biến thường được phát hiện ở các biến thể trước đây gồm đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G. Trong đó, đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi đó, giới khoa học chưa rõ tác động của hai dạng đột biến còn lại.