Ngày 17/9, làn sóng biểu tình tại Hy Lạp ngày càng nhân rộng khi các nhân viên thuộc nhiều ngành như y tế, giáo dục và pháp luật... đã cùng tham gia đoàn biểu tình gồm hàng nghìn công nhân thuộc khu vực công, phản đối chính sách của chính phủ về tái cơ cấu các ngành dẫn đến sa thải nhiều người lao động.
Biểu ngữ "Không cắt giảm nhân công, ổn định việc làm" trong cuộc tuần hành hưởng ứng đình công ở Athens, Hy Lạp, ngày 10/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đại diện các công đoàn, nhân viên, công chức thuộc nhiều ngành tiến hành biểu tình là do không chấp nhận kế hoạch cải cách của chính phủ liên minh của Thủ tướng Antonis Samaras nhằm đổi lấy gói cứu trợ quốc tế, đặc biệt kế hoạch sáp nhập một số bệnh viện nhằm cắt giảm chi tiêu công và những thay đổi trong hệ thống pháp lý khiến nhân viên của ngành này sụt giảm lương. Những người biểu tình cho rằng không có tiêu chí cụ thể nào trong kế hoạch tái phát triển khu vực nhà nước; chính phủ đưa ra sự lựa chọn dựa vào những "số liệu trìu tượng", cốt chỉ để đáp ứng yêu cầu của nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hiện rất nhiều trường học trong cả nước vẫn đóng cửa do giáo viên thuộc các trường trung học cơ sở phản đối kế hoạch cắt giảm lực lượng giảng dạy và xóa bỏ một số môn học được cho là "không cần thiết" như ngoại ngữ, nhạc, họa... Trong khi đó, các trường đại học cũng chưa nối lại việc giảng dạy, đồng thời từ chối cung cấp cho chính phủ danh sách nhân viên nằm trong kế hoạch tái cơ cấu.
Dự kiến, các nhân viên y tế đình công trong 3 ngày, giới luật sư trong 2 ngày và giáo viên sẽ nghỉ việc đến hết tuần. Theo yêu cầu của các nhà cho vay quốc tế, Hy Lạp phải cắt giảm ngân sách khu vực công để nhận được những khoản cứu trợ tiếp theo. Kế hoạch cải cách và giảm quy mô khu vực công này đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn lao động vì Chính phủ Hy Lạp sẽ chuyển chỗ làm hoặc cho thôi việc 25.000 lao động ở khu vực công từ nay đến cuối năm, với mục tiêu tối thiểu là cắt giảm 15.000 lao động từ nay đến năm 2014.
Như vậy, trong thời gian tới, 12.500 lao động trong khu vực nhà nước sẽ bị chuyển sang diện lao động dự bị, song vẫn được hưởng 75% lương. Nếu 8 tháng sau, những đối tượng này không thể kiếm được việc làm khác trong khu vực nhà nước, họ sẽ bị sa thải.
Làn sóng biểu tình của nhân viên khu vực công bắt đầu hôm 15/9, thời điểm trước khi diễn ra cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Samaras và các quan chức châu Âu tại Brussels trong khi đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ bắt đầu tiến hành kiểm toán chi tiêu của nước này.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso khẳng định với ông Samaras rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" tuy không được lòng dân song vẫn đạt kết quả tích cực, vì vậy Athen cần theo đuổi chính sách khắc khổ này đến cùng.
TTXVN/Tin tức