Theo hãng tin Reuters (Anh), tình trạng bất ổn xảy ra liên quan tới cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, vào tuần trước.
Vào ngày 13/9, Amini từ Kurdistan đến thăm thủ đô Tehran. Theo một số nguồn tin, Amini đã bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì đeo khăn trùm đầu quá lỏng. Amini hôn mê tại một đồn cảnh sát và qua đời 3 ngày sau đó. Theo quy định của Iran, phụ nữ phải đeo khăn trùm kín tóc ở nơi công cộng.
Nhà chức trách cho biết họ sẽ mở một cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của Amini, nhưng tuyên bố này không thể xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng. Làn sóng biểu tình đã bùng nổ từ đó. Ban đầu, người biểu tình chủ yếu tập trung ở phía tây bắc – khu vực sinh sống của đông đảo người Kurd. Sau đó, lan đến thủ đô Tehran và ít nhất 50 thành phố, thị trấn khác trên cả nước.
Đám đông đã phóng hoả các đồn cảnh sát và xe cộ. Nhiều báo cáo cho biết lực lượng an ninh đang bị tấn công. Cảnh sát phải sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình. Ở miền bắc Iran, đám đông sử dụng dùi cui và đá tấn công các thành viên lực lượng an ninh.
Mạng internet tại Iran đã bị hạn chế khi các cuộc biểu tình không có dấu hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ cũng tham gia biểu tình. Họ đốt khăn che mặt hijab và cắt tóc ở nơi công cộng để bày tỏ phẫn nộ về sự việc.
Hôm 22/9, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã kêu gọi cơ quan tư pháp truy tố những người tung tin giả và tin đồn thất thiệt về sự việc. Trong một tuyên bố, lực lượng này cũng bày tỏ sự cảm thông với gia đình và người thân của nạn nhân Amini.
Cuộc biểu tình về cái chết của Amini là làn sóng biểu tình tồi tệ nhất trong lịch sử Iran kể từ năm 2019, thời điểm giá xăng dầu tăng cao, khiến 1.500 người thiệt mạng.
Theo báo cáo của nhóm bảo vệ quyền lợi người Kurd Hengaw, số người thiệt mạng ở các khu vực của người Kurd đã lên tới 31 người. Tuy nhiên, Reuters chưa thể xác minh con số này.