Theo đài Sputnik, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức và bắt đầu làm việc trong Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Biden đã ký loạt sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp tại biên giới Mỹ-Mexico trước đó chính quyền người tiền nhiệm tuyên bố để phục vụ dự án xây dựng tường biên giới.
Tuy nhiên, theo báo The Military Times đăng ngày 25/1, lực lượng quân sự tại khu vực biên giới Mỹ và Mexico sẽ không sớm rút quân. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc khẳng định khoảng 3.000 binh sĩ đóng quân tại khu vực hỗ trợ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) “sẽ tiếp tục hoạt động như mọi khi”.
Theo nội dung thông cáo báo chí của Nhà Trắng về cuộc điện đàm ngày 22/1 với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, hai nhà lãnh đạo “đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn dòng người di cư bất thường đến Mexico và Mỹ”. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập đến khoảng 15.000 binh sĩ Mexico được điều động đến biên giới vào năm 2019 để ngăn chặn dòng người nhập cư tư phương Bắc.
Hàng rào biên giới số
Trong Đạo luật Công dân Mỹ năm 2021 của Tổng thống Biden giới thiệu tại Thượng viện ngày 21/1 vừa qua, nhà lãnh đạo có nhắc đến sử dụng công nghệ để giám sát biên giới.
Một phần trong văn bản đề cập đến việc “bổ sung các nguồn lực biên giới hiện có với công nghệ và cơ sở hạ tầng” cùng như kêu gọi Bộ trưởng An ninh Nội địa “phát triển và thực hiện một chiến lược quản lý và bảo đảm biên giới phía Nam giữa các điểm nhập cảnh, tập trung vào các giải pháp và công nghệ linh hoạt nhằm gia tăng khả năng phát hiện các hoạt động bất hợp pháp, đánh giá hiệu quả của các hoạt động an ninh biên giới”.
Bên cạnh lắp đặt hệ thống cảm biến chuyển động hoặc công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chiến lược bảo vệ biên giới cũng như bao gồm triển khai các phương tiện bay không người lái. Tờ Defense One đưa tin hai nhà sản xuất máy bay không người lái lớn, Sikorsky và General Atomics, đã nhiều năm vận động Cục Hàng không Liên bang cập nhật các quy định của Mỹ cho phép vận hành máy bay không người lái cánh cố định như MQ-9B SkyGuardian. Họ hy vọng sẽ được cấp phé vào năm 2025 và sau đó có thể triển khai công nghệ giám sát toàn thành phố.
Trên thực tế, Bộ Nội vụ An ninh đã cấp phép đặc biệt cho những chiếc máy bay không người lái như MQ-1 Predator tại một số khu vực hẻo lánh ở biên giới và thậm chí còn triển khai giám sát người Mỹ trong đô thị, có thể kể đến lần triển khai sau khi nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Minneapolis (bang Minnesota) vào tháng 5/2020 phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd.
Theo giới quan sát, công nghệ giám sát, bị hạn chế ngay cả tại những khu vực biên giới, sẽ là một sự thay đổi đáng kể đối với quyền tự do dân sự ở Mỹ. Khu vực trong vòng 160 km tính từ đường biên giới được gọi là “Khu vực Phi Hiến pháp”. Tên gọi này xuất hiện từ năm 1953, và Bộ Tư pháp cho phép nhân viên CBP gần như có quyền lực pháp lý vô biên để tìm kiếm và giám sát người mà không cần lệnh ủy quyền.
2/3 dân số Mỹ sống trong những khu vực như vậy, bao gồm cả biên giới biển. Liên đoàn Quyền tự do Dân sự Mỹ đã kêu gọi dư luận phản đối sự lạm quyền của hệ thống trên, gọi nó là cách tiếp cận đang “ngày càng biến chúng ta thành những kẻ tình nghi”.