Nguyên mẫu của nhà máy sẽ là phương tiện để công ty thực hiện cam kết đưa ra hồi năm 2021 với các nước Rwanda, Nam Phi, Senegal và Liên minh châu Phi (AU) nhằm đảm bảo sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA cho châu lục này. Hiện tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 tại châu Phi đang thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới.
Theo thông báo của BioNTech, việc xây dựng cơ sở sản xuất vaccine mRNA đầu tiên của công ty tại AU sẽ bắt đầu từ giữa năm nay. Nhà máy được lắp ráp từ 2 module gồm 6 container cho mỗi một module và có thể đi vào hoạt động khoảng 12 tháng sau khi các container được vận chuyển tới châu Phi.
Ngày 16/2, tại nhà máy sản xuất vaccine ở Marburg (Đức), BioNTech đã giới thiệu nguyên mẫu của một module cho các lãnh đạo Senegal, Ghana và Rwanda cùng một số quan chức khác như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ trưởng phát triển của Đức. Lãnh đạo các nước châu Phi đến châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và AU diễn ra trong ngày 17/2. Tại hội nghị, EU sẽ tái khẳng định cam kết triển khai gói đầu tư trị giá 150 tỷ euro cho châu Phi.
BioNTech đã cùng với hãng dược Pfizer (Mỹ) phát triển thành công vaccine Comirnaty, loại vaccine phòng COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA đang được sử dụng phổ biến nhất tại các nước phương Tây và là loại đầu tiên được cấp phép chính thức tại Mỹ. BioNTech cho biết nhà máy container không chỉ sản xuất được vaccine mRNA phòng COVID-19 mà còn có thể các loại vaccine phòng các bệnh khác dựa trên công nghệ này tùy thuộc vào tiến trình phát triển và nhu cầu trong tương lai.
Nhà máy được đặt tên là Biontainer sẽ cần khoảng diện tích 800 m2, kết hợp với cơ sở hạ tầng và các phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng tại địa phương. Ban đầu, BioNTech sẽ cử nhân viên tới vận hành cơ sở này và tập huấn cho các đối tác tại địa bàn để chuyển giao quy trình sản xuất bao gồm tới 50.000 bước.
Trong thông báo mới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh sáng kiến của BioNTech nhằm tăng cường sản xuất vaccine tại châu Phi.