Theo phóng viên TTXVN tại EU, Nhóm châu Âu (Team Europe) bao gồm các quốc gia thành viên EU và các tổ chức tài chính châu Âu đã nhất trí hỗ trợ thành lập một cơ sở mới để sản xuất vaccine tại Viện Pasteur ở Dakar.
Với năng lực sản xuất 25 triệu liều vaccine mỗi tháng từ nay đến cuối năm 2022, nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc hiện tại của châu Phi vào nhập khẩu vaccine và tăng cường khả năng đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Trong buổi công bố diễn ra tại thủ đô Dakar, Tổng thống Cộng hòa Senegal - ông Macky Sall, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton, cùng đại diện của các nước Đức, Pháp, Bỉ, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và các tổ chức phát triển và tài chính khác đã khẳng định sự hỗ trợ của Nhóm châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn bị dự án, phát triển năng lực sản xuất và xúc tiến công tác kỹ thuật.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, châu Phi hiện phải nhập khẩu 99% lượng vaccine. Nhưng với thỏa thuận đạt được, Team Europe đang giúp Senegal thực hiện một bước quan trọng trong việc sản xuất vaccine của riêng mình và bảo vệ người dân châu Phi chống lại virus SARS-CoV-2 và các bệnh khác. Chủ tịch EC nhấn mạnh đây chỉ là phần đầu tiên của sáng kiến sâu rộng của Nhóm châu Âu nhằm hỗ trợ sản xuất thuốc và vaccine ở châu Phi. Nhóm châu Âu đang cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 6,75 triệu euro (tương đương 8 triệu USD) để thực hiện các nghiên cứu khả thi kỹ thuật và chuẩn bị lắp đặt mới.
Việc xây dựng năng lực sản xuất vaccine đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều nước châu Phi. Công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi đến nay là cơ sở duy nhất ở châu Phi sản xuất vaccine COVID-19 dựa trên giấy phép của công ty Johnson & Johnson (Mỹ). Công ty VACSERA của Ai Cập cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) trong những tuần tới. Các thỏa thuận hợp tác tương tự giữa các công ty dược phẩm châu Phi và các nhà sản xuất vaccine quốc tế cũng đã đạt được ở một số quốc gia khác, như Senegal và Algeria.