Theo thông báo trên, các nhóm được ưu tiên là những người "có nguy cơ cao" nhiễm virus đậu mùa khỉ, và các nhân viên y tế.
DGS cho biết: "Chiến lược tiêm phòng sẽ được quản lý ở cấp vùng sau khi có ý kiến của ban tư vấn đặc biệt để xác định những người đủ tiêu chuẩn".
Bộ trưởng Thúc đẩy Y tế của Bồ Đào Nha, bà Margarida Tavares cho biết chiến dịch tiêm phòng được khởi động ngay khi sắc lệnh được công bố.
Theo số liệu cập nhật, Bồ Đào Nha đã ghi nhận ít nhất 908 ca mắc đậu mùa khỉ từ khi bùng phát dịch này.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng do bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, sau khi hơn 16.000 ca mắc bệnh được ghi nhận ở 75 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi, nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới hơn 90 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 50.000 ca mắc bệnh và 18 ca tử vong, mặc dù tốc độ lây lan đang chậm lại tại một số "điểm nóng" như châu Âu và Mỹ.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các nốt phát ban giống như bệnh đậu mùa và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục. Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.