Theo đài truyền hình CNN, đăng trên nền tảng xã hội Weibo ngày 17/9, ông Wu Zunyou - trưởng nhóm dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – cho biết các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và kiểm soát biên giới chặt chẽ của nước này đã giúp ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, mới đây, nước này vẫn ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại thành phố Trùng Khánh. Theo chính quyền địa phương, trong quá trình cách ly ngừa COVID-19 sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, người nay đã được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. Thông báo không nêu rõ bệnh nhân là công dân nước ngoài hay người Trung Quốc.
Ngoài các triệu chứng giống như cúm, bệnh đậu mùa khỉ còn gây ra các tổn thương trên cơ thể như phát ban, mụn dạng phỏng nước. Dịch bệnh bùng phát từ giữa tháng 5, ban đầu là tại các nước châu Âu sau đó lan rộng ra khắp thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ ghi nhận ít nhất 23.500 ca mắc bệnh.
“Tăng cường giám sát và ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ là cần thiết và quan trọng”, vị chuyên gia nói và chỉ ra nguy cơ dịch bệnh lây lan từ nước ngoài và tiếp xúc gần gũi. Ông đưa ra 5 khuyến nghị cho công chúng và khuyến cáo đầu tiên là “Không tiếp xúc trực tiếp bề mặt da với người nước ngoài”.
Khuyến cáo này đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội Weibo. Trong khi một số cư dân mạng ủng hộ lời khuyên trên là hợp lý và bày tỏ sự thái độ nhẹ nhõm khi không biết nhiều người nước ngoài thì một bộ phận khác lại cho rằng phát ngôn của ông Wu có phần phân biệt đối xử, với nội dung không khác gì làn sóng bài ngoại và bạo lực mà người châu Á ở nước ngoài phải hứng chịu trong thời kỳ đầu bùng nổ dịch COVID-19.
Trong khi đó, một số người khác cho biết có nhiều lao động và người nước ngoài sống lâu năm ở Trung Quốc và không ra khỏi nước này trong khoảng thời gian gần đây. Chính vì vậy, những người đó sẽ không có khả năng bị nhiễm bệnh cao hơn công dân Trung Quốc.