Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã đưa ra bình luận trên trong buổi họp báo cùng ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng đã có liên lạc giữa hai bên nhưng từ chối cung cấp thông tin về quan chức phía Trung Quốc trực tiếp tham gia liên lạc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/8 đã dự báo về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong đó ông có nhắc đến việc áp lực kinh tế gia tăng lên Trung Quốc cũng như tình trạng thất nghiệp ở nước này.
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Biarritz (Pháp), Tổng thốngTrump cho hay cuộc đàm phán thương mại giữa nước này và Trung Quốc sẽ “sớm được nối lại” và đây sẽ là bước đột phá trong cuộc chiến thương mại của hai siêu cường kinh tế.
Mỹ đang cố gắng buộc Trung Quốc cải cách sâu rộng mô hình thương mại của mình để chấm dứt những hành vi mà Washington cho rằng không công bằng, bao gồm vi phạm bảo hộ tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đã gây áp lực với Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp (từ 24-26/8) và nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều rủi ro.
Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế đối với hàng hóa của nhau, những bất ổn liên quan tới việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là một phần nguyên nhân khiến các nền kinh tế phát triển, trong đó có Đức và Nhật Bản, đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần làm kinh tế Đức và Anh suy giảm trong quý II/2019. Trong khi đó, kinh tế Mỹ và Nhật Bản vẫn tăng trưởng trong quý II/2019, nhưng với nhịp độ chậm hơn so với quý trước đó.