Phát biểu trước Hạ viện khi công bố kế hoạch chi tiêu cho năm tới, ông Javid khẳng định Anh có đủ khả năng tài chính để tiến tới thập kỷ tái sinh sau khi trải qua thập kỷ phục hồi và để chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ công thiết yếu. Ông Javid, người mới lên lãnh đạo Bộ Tài chính Anh từ tháng 7 vừa qua, dự định sẽ bổ sung chi tiêu công của quốc gia này trong năm tới thêm 13,8 tỷ bảng Anh (16,8 tỷ USD) cho các dịch vụ y tế và giáo dục và tăng cường lực lượng an ninh. Ông khẳng định những khoản chi tiêu bổ sung này không ảnh hưởng tới mục tiêu đảm bảo những quy định tài khóa hiện tại.
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh cũng nhấn mạnh khác với 10 năm trước khi thách thức lớn nhất với Anh là giảm thâm hụt ngân sách, ngày nay thách thức lớn nhất là đưa tăng trưởng kinh tế dài hạn trở lại đỉnh cao mà nền kinh tế này từng đạt được. Khoảng 12 năm trước, Anh và hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế mở rộng. Kể từ năm 2010, chính phủ do đảng Bảo thủ lãnh đạo đã triển khai các biện pháp thắt chặt quy định ngân sách, cắt giảm chi tiêu công để ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Từ đó, nền kinh tế Anh tuy tăng trưởng chậm nhưng vững chắc. Tuy nhiên, kinh tế Anh đang đứng trước thách thức ngày càng lớn từ tiến trình Brexit rối loạn và đầy chia rẽ. Nguy cơ Brexit không thỏa thuận gia tăng đồng nghĩa với việc kinh tế Anh ngày càng sát bờ vực gián đoạn nghiêm trọng vì "chia tay" đột ngột với các đối tác kinh tế lâu năm trong EU mà không có thỏa thuận chuyển tiếp. Tâm lý lo ngại kịch bản này xảy ra đã tác động tới quyết định của các nhà đầu tư và khiến kinh tế Anh quý II vừa qua suy giảm mạnh hơn dự đoán.
Kế hoạch tăng cường chi tiêu công này được công bố trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây nêu khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm tháo gỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo kế hoạch của ông Javid, cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Duetsche Bank (Đức), có thể làm suy yếu tín dụng ngân sách của Anh với những khoản cam kết chi tiêu công khổng lồ trong bối cảnh kinh tế nước này đang đứng trước nguy cơ suy thoái còn kết quả Brexit thì chưa rõ ràng. Dù ông Javid khẳng định kế hoạch chi tiêu kể trên sẽ không vi phạm quy định tài khóa hiện tại nhưng nhóm chuyên gia cố vấn Resolution Foundation cho rằng việc nợ công Anh tăng trong thời gian gần đây cộng với danh sách dài những cam kết chi tiêu mà Thủ tướng Johnson từng nhắc tới, cuối cùng sẽ khiến Bộ Tài chính phải phá bỏ quy định hiện tại.
Theo quy định tài khóa hiện hành, được đặt ra dưới thời cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Chính phủ Anh phải duy trì mức nợ công dưới ngưỡng 2% GDP.