Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 29/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ông Mattis cũng cho rằng Washington cảm thấy không cần thiết phải bắn hạ các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử về phía Nhật Bản, nhưng một vụ phóng tên lửa trong tương lai đe dọa lãnh thổ Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ dẫn đến "phản ứng khác từ phía Washington".
Trước đó, cũng trong ngày 18/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên thất bại, thì chỉ còn lại duy nhất giải pháp quân sự.
Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley ngày 17/9 tuyên bố Hội đồng Bảo an LHQ đã hết sự lựa chọn trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Mỹ có thể phải chuyển vấn đề này sang Lầu Năm Góc.
Các lựa chọn quân sự của Tổng thống Donald Trump có thể bao gồm những hành động như phong tỏa hải quân nhằm hỗ trợ cho các lệnh trừng phạt hay việc tiến hành các cuộc tấn công mạng và triển khai nhiều loại vũ khí mới tại Hàn Quốc, nơi 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú.
Trong khi đó, ngày 18/9, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Thượng viện Mỹ Cory Gardner đã đề nghị Trung Quốc cùng 20 nước khác gia tăng sức ép với Triều Tiên bằng cách cắt quan hệ, đóng cửa các cơ sở ngoại giao và loại quốc gia Đông Bắc Á này khỏi Liên hợp quốc (LHQ).
Trong một bức thư gửi đại sứ các quốc gia nói trên, ông Gardner đã đề nghị những nước này ngay lập tức chấm dứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Bình Nhưỡng. Trong thư, ông Gardner nhấn mạnh, "ngoài việc cắt đứt quan hệ song phương, tôi kêu gọi chính phủ các bạn ủng hộ việc trục xuất Triều Tiên khỏi LHQ".
Mới đây, ông Gardner đã đệ trình dự luật áp đặt cấm vận kinh tế đối với bất kỳ thực thể nào làm ăn với Triều Tiên.