Bộ trưởng Tài chính và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ đến Trung Quốc

Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ cử các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ đến Trung Quốc để đàm phán nhằm đạt thỏa thuận giải quyết những khúc mắc về thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ có chuyến thăm Trung Quốc để đàm phán về các vấn đề thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trao đổi tại cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Trump cho biết trong vài ngày tới, một phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cùng các quan chức khác sẽ có chuyến thăm Trung Quốc để đàm phán về các vấn đề thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh. Theo ông Trump, Trung Quốc "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp thương mại hiện tại với Mỹ, và Mỹ cũng sẽ "nghiêm túc" nỗ lực giải quyết vấn đề này. Ông cho biết tuần qua, các quan chức Trung Quốc đã đến Mỹ và giới chức hai nước đã có các cuộc thảo luận quan trọng và thực chất về thương mại bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh hai bên đã "có cơ hội rất tốt" để đạt được một thỏa thuận.


Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Bộ trưởng Mnuchin hồi cuối tuần trước cho biết đang cân nhắc có chuyến thăm đến Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề thương mại với những người đồng cấp Trung Quốc. Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này đã nhận được thông tin các quan chức Mỹ muốn đến Bắc Kinh để tiến hành tham vấn về các vấn đề kinh tế và thương mại, và Trung Quốc hoan nghênh điều này. Theo ông, mối quan hệ kinh tế Trung - Mỹ về bản chất đều mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh các vấn đề thương mại giữa hai nước có thể giải quyết thông qua các cuộc tham vấn song phương hoặc trong một khuôn khổ đa phương được công nhận rộng rãi, thay vì thông qua các biện pháp đơn phương.


Trong nhiều tuần qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.


Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu của Trung Quốc sẽ đặt tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ đứng trước những nguy cơ mới. Phát biểu tại một cuộc họp quy tụ các giám đốc điều hành trong ngành xây dựng, Bộ trưởng Ross nhấn mạnh kế hoạch phát triển ngành chế tạo của Bắc Kinh, mang tên "Made in China 2025", là "một vấn đề lớn" khi vạch ra chiến lược nhằm thống trị "mọi ngành công nghiệp nóng" từ hàng không vũ trụ, viễn thông đến ngành chế tạo robot và sản xuất ô tô điện.


Hồi năm 2015. Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch "Made in China 2025" với mục tiêu đến năm 2025 đưa nước này từ một "nước lớn chế tạo" vươn lên trở thành "cường quốc chế tạo". Trong kế hoạch này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt trọng điểm ưu tiên trong phát triển ngành chế tạo, như tăng cường đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quảng bá thương hiệu Trung Quốc và khuyến khích sản xuất xanh.


TTXVN/Báo Tin tức
IMF hối thúc Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại
IMF hối thúc Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại

Ngày 21/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại thông qua các thể chế đa phương hoạt động dựa trên những quy tắc cụ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN