Bằng chứng về một đơn hàng tiềm năng lớn với hơn 100 máy bay trị giá hơn 10 tỷ USD đã xuất hiện trong những tuần gần đây khi Washington và Bắc Kinh thông báo đạt được một vài tiến bộ trong tiến trình đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng giữa hai bên. Tuy nhiên, các nguồn tin trên cho rằng hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có sẵn lòng ủng hộ các đơn đặt hàng 737 MAX, sau khi Bắc Kinh yêu cầu tất cả các hãng hàng không trong nước ngừng khai thác dòng máy bay này.
Trước đó, ngày 13/3, Mỹ đã gia nhập “làn sóng” các nước cấm cửa máy bay 737 MAX, sau vụ tai nạn thảm khốc khiến 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Các nhà lập pháp Mỹ khẳng định lệnh cấm sẽ kéo dài trong nhiều tuần. Giới phân tích nhận định vụ rơi máy bay nghiêm trọng của hãng hàng không Ethiopia Airlines làm gia tăng những lo ngại đối với Boeing khi Trung Quốc đang nắm giữ vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tập đoàn chế tạo máy bay này. Trước cuộc khủng hoảng 737 MAX, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng đã làm gia tăng những nguy cơ đối với triển vọng kinh doanh của Boeing.
Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong thập niên tới. Boeing ước tính nhu cầu mua máy bay của Trung Quốc trong 20 năm tới sẽ vào khoảng 7.700 chiếc, với trị giá 1.200 tỷ USD. Trong khi xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây tổn thương cho các đối tượng như nông dân trồng đậu tương của Mỹ hay các nhà sản xuất Trung Quốc, song tác động đối Boeing vẫn chưa rõ ràng.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc cũng có thể quyết định chuyển sang đặt hàng lớn mua máy bay của Airbus để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song, các đơn đặt hàng này cũng ì ạch, một phần do tâm lý thận trọng từ phía các hãng hàng không Trung Quốc trước căng thẳng thương mại và sự giảm tốc của nền kinh tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/3 cho biết có những dấu hiệu khả quan về việc Airbus đang tiến gần đến một thỏa thuận mua bán máy bay với Trung Quốc.