Theo BBC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi biến thể Delta là biến thể lây lan nhanh nhất trong số các biến thể được phát hiện từ trước tới nay. Biến thể này xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Một số quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Nepal, Pakistan và Sri Lanka đã có số ca lây nhiễm tăng vọt hồi tháng 5 dù đang có xu hướng giảm dần.
Ngoài những nước này, các quốc gia châu Á khác như Indonesia, Bangladesh, Thái Lan và Iran đều đang gặp khó khăn trong ngăn chặn biến thể Delta lây lan.
Indonesia
Indonesia đã áp đặt phong tỏa một số khu vực cho tới ngày 20/7 sau khi số ca mắc mới tăng vọt.
Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 đã tăng từ đầu tháng 6 và Chính phủ Indonesia cho rằng nguyên nhân là do biến thể Delta.
Theo Bộ Y tế nước này, xét nghiệm cho thấy gần 60% các ca mắc trong ba tuần qua đều nhiễm biến thể Delta.
Tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Indonesia đã tăng nhưng tới nay, mới chỉ chưa đầy 5% dân số đã được tiêm đầy đủ.
Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu tiêm 1 triệu mũi/ngày và tăng gấp đôi vào tháng 8.
Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ gần đây cho rằng Indonesia đang tiến gần tới thảm họa khi mà giường bệnh và nguồn ôxy đang cạn kiệt dần.
Tính tới 6/7, Indonesia có tổng cộng 2.313.829 ca mắc, trong đó 61.140 ca tử vong.
Bangladesh
Trong khi đó, từ giữa tháng 5, Bangladesh đã chứng kiến xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19.
Nghiên cứu của chính phủ trong giai đoạn từ 25/5 tới 7/6 cho thấy % số ca mắc mới ở thủ đô Dhaka là do biến thể Delta.
Bangladesh đã áp đặt phong tỏa toàn quốc do lo ngại về tác động của biến thể nguy hiểm này.
Số ca mắc có thể tăng thêm khi nhiều người lao động nhập cư rời Dhaka về quê trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.
Mặc dù bắt đầu tiêm vaccine sớm hơn so với một số quốc gia, nhưng tiến độ tiêm chủng ở Bangladesh nhìn chung chậm chạp và đã phải tạm ngừng tiêm chủng hồi tháng 4.
Bangladesh đã tiêm 1,6 triệu liều vaccine AstraZeneca nhận được từ Ấn Độ. Tuy nhiên, sau đó, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine hồi tháng 4. Bangladesh đã nối lại chiến dịch tiêm chủng ngày 22/6 với quy mô hạn chế, sử dụng vaccine Sinopharm. Tính tới 30/6, chưa đầy 3% dân số Bangladesh đã tiêm chủng đầy đủ.
Tới 6/7, Bangladesh ghi nhận 954.881 ca mắc, trong đó 15.229 ca tử vong.
Thái Lan
Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 gia tăng gần đây ở Thái Lan cũng một phần là do biến thể Delta.
Đầu tuần này, Cơ quan Khoa học Y khoa Thái Lan cho biết biến thể Delta gây ra 26% tổng số ca mắc ở thủ đô Bangkok trong tuần qua.
Biến thể này gần đây đã xuất hiện tại các đảo như Phuket – hòn đảo đang mở cửa cho du khách quốc tế để thúc đẩy ngành du lịch. Thủ tướng Prayuth Chan-ochan gần đây cho biết có nguy cơ nhưng phải chấp nhận để người dân Thái Lan có thể kiếm sống.
Tính tới cuối tháng 6, Thái Lan mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 4% dân số.
Thái Lan tới nay ghi nhận tổng cộng 294.653 ca mắc, trong đó 2.333 ca tử vong.
Iran
Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 3/7 lo ngại nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5 do bùng phát các ca mắc biến thể Delta.
Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên trách dịch COVID-19, ông Rouhani đánh giá nước này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 5 dần hình thành, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác do biến thể Delta đã xâm nhập nước này, ở các vùng phía Nam và Đông Nam.
Iran hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất tại Trung Đông với 84.949 ca tử vong trong số 3.270.843 ca bệnh. Iran ghi nhận các ca mắc biến thể Delta đầu tiên từ ngày 5/5 tại tỉnh Qom. Nước này đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Tehran cùng 9 thành phố tại tỉnh Tehran, và các tỉnh ở miền Nam và Đông Nam, những vùng đỏ về dịch bệnh.