Đại dịch COVID-19, những cuộc đàm phán thương mại bị ngưng trệ và cuộc họp 2 năm một lần giữa các quốc gia thành viên liên tục bị trì hoãn chỉ là một vài trong số “núi” thách thức đang chờ đón bà Ngozi Okonjo-Iweala trên cương vị mới.
Dưới đây là 4 ưu tiên hàng đầu mà nữ cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria cần phải làm khi bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 1/3 tới tại Geneva.
Khôi phục hội nghị các bộ trưởng WTO
Theo thông lệ, nhóm bộ trưởng các nước thành viên WTO – những người ra quyết định – họp mặt 2 năm một lần và thường tổ chức vào cuối năm. Nhiều quốc gia coi cuộc họp này là hạn chót để ra quyết định hoặc tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại.
Sau hội nghị tổ chức vào tháng 12/2017 ở Buenos Aires, cuộc họp tiếp theo đáng nhẽ nên được diễn ra tại Nur-Sultan vào tháng 6/2020 để tránh mùa đông khắc nghiệt ở thủ đô Kazakhstan vào cuối năm.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến hội nghị này bị trì hoãn vô thời hạn.
Theo bà Okonjo-Iweala, bà muốn tổ chức hội nghị trước khi kết thúc năm nay. Tuy nhiên, 164 quốc gia thành viên WTO sẽ phải họp bàn để thống nhất một lần nữa về ngày tổ chức và địa điểm. Có thể lần họp bàn này sẽ được triển khai trong cuộc họp đại hội đồng WTO vào hai ngày 1-2/3 tới.
Tái khởi động đàm phán thương mại bị đình trệ
Trong nhiều năm qua, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn.
Các cuộc đàm phán về trợ cấp đối với sản xuất bông và đánh bắt cá đang ngưng trệ, trong khi các cuộc đàm phán khác như thương mại điện tử, được khởi động vào tháng 1/2019, cũng chật vật trong quá trình thực hiện. Tất cả đều có nguy cơ khiến WTO quay trở lại tình trạng mắc kẹt trong các vấn đề của năm ngoái. “Tôi nghĩ rằng WTO quá quan trọng để cho phép các đàm phán thương mại bị chậm lại, tê liệt và suy kiệt. Điều đó là không đúng”, nữ Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh.
Bà Okonjo-Iweala nêu ra các vấn đề về môi trường và coi các cuộc đàm phán về trợ cấp đánh cá là một trong những ưu tiên trước mắt của bà.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia hy vọng với người đứng đầu mới, WTO có thể hòa giải các bên đang vướng vào xung đột thương mại, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong thời kỳ WTO dưới quyền lãnh đạo của người tiền nhiệm Roberto Azevedo, Washington và Brussels luôn thúc giục tổ chức này xem lại tư cách của Trung Quốc thuộc nhóm đang phát triển, với việc Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng những quyền lợi ưu tiên mà WTO dành cho các thị trường mới nổi.
Các chuyên gia hy vọng với kỹ năng giao tiếp thiên về chính trị thay vì nền tảng thương mại của Okonjo-Iweala, nữ Tổng Giám đốc này có thể góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương với sức ảnh hưởng của mình.
Đồ họa nữ Tổng Giám đốc gốc Phi đầu tiên trong lịch sử WTO (nguồn: TTXVN):
Cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO
Cựu Tổng Giám đốc WTO Azevedo không thể ngăn Mỹ làm tê liệt Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body) của tổ chức này. Trước đó, do phía Mỹ liên tục trì hoãn bổ nhiệm các thẩm phán mới, nên cơ quan này ngừng hoạt động từ tháng 11/2019. Cơ quan phúc thẩm của WTO là một cơ quan thường trực gồm bảy người nghe các kháng cáo từ các báo cáo được đưa ra bởi các hội đồng trong các tranh chấp do các thành viên WTO đưa ra. Dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington liên tục cáo buộc cơ quan này vượt quá quyền hạn và đưa ra các phán quyết mà Mỹ cho là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Bà Okonjo-Iweala hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này trước khi tổ chức hội nghị các bộ trưởng tiếp theo.
Đối phó khủng hoảng COVID-19
Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 đã phản ánh sự chia rẽ tại WTO, khi các thành viên tranh cãi về đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19.
Trên cương vị mới, Okonjo-Iweala cho biết bà sẽ giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Bà hy vọng sẽ trao cho WTO một vai trò mới trong cuộc chiến chống đại dịch, đặc biệt thông qua chính sách vay hỗ trợ COVAX - chương trình vaccine toàn cầu đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo hơn.
Có trên 25 năm kinh nghiệm với tư cách là nhà kinh tế phát triển tại Ngân hàng Thế giới đồng thời là Chủ tịch của Liên minh vaccine Gavi từ năm 2016, bà cũng muốn chứng kiên các nước đang phát triển tự sản xuất vaccine chống COVID-19 để khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Ông Pablo Bentes, cựu quan chức pháp lý tại Ban thư ký Cơ quan Phúc thẩm, cho biết nền tảng của bà Okonjo-Iweala “khiến bà ấy có vị trí đặc biệt trong việc chèo lái WTO vượt qua cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử”.