Theo trang Al Jazeera, Brazil đã đánh chìm một hàng không mẫu hạm không còn hoạt động ở Đại Tây Dương bất chấp những lo ngại của các nhóm hoạt động môi trường rằng con tàu chiến cũ kỹ này sẽ gây độc hại cho đại dương. Các nhà môi trường cho rằng xác con tàu đã rỉ sét do Pháp chế tạo từ những năm 1960 sẽ gây ô nhiễm biển và chuỗi thức ăn biển.
Con tàu sân bay Sao Paulo, nặng 32.000 tấn của Brazil đã lênh đênh ngoài khơi trong suốt ba tháng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tiếp nhận nó, để cho phép tiến hành dỡ bỏ tàu tại nước này với lý do nguy cơ ô nhiễm môi trường. Sau đó hàng không mẫu hạm này được kéo trở lại Brazil.
Hải quân Brazil cho biết trong một tuyên bố vào tối 3/2 (giờ địa phương) rằng tàu sân bay của họ đã bị đánh đắm "theo kế hoạch và có kiểm soát, "tránh được những tổn thất về hậu cần, hoạt động, môi trường và kinh tế cho nhà nước Brazil".
Theo Hải quân Brazil, thân tàu Sao Paulo bị chìm ở vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này, cách bờ biển 350 km, nơi có độ sâu 5.000 mét, một địa điểm đã được chọn để giảm thiểu tác động đối với hoạt động đánh bắt cá và hệ sinh thái.
Trước đó, các công tố viên liên bang và Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã yêu cầu chính phủ Brazil ngừng vụ đánh đắm tàu, nói rằng nó "độc hại" do các vật liệu nguy hiểm, bao gồm 9 tấn amiăng được sử dụng trong các tấm vật liệu chế tạo tàu.
“Việc tàu sân bay Sao Paulo bị đánh đắm đã ném hàng tấn amiăng, thủy ngân, chì và các chất có độc tính cao khác xuống đáy biển", tổ chức Hòa bình Xanh cho biết trong một tuyên bố. Họ cáo buộc Hải quân Brazil phớt lờ việc bảo vệ các đại dương.
Con tàu sân bay lớp Clemenceau đã phục vụ Hải quân Pháp trong 4 thập kỷ với tên gọi Foch, có khả năng chở 40 máy bay chiến đấu.
Chuyên gia quốc phòng Brazil, một cựu nhân viên quốc hội về chính sách đối ngoại Pepe Rezende cho biết tàu sân bay này được Hải quân Brazil mua với giá chỉ 12 triệu USD vào năm 1998 nhưng nó cần một cuộc tái trang bị trị giá 80 triệu USD. Quá trình đó chưa bao giờ được thực hiện.
Sau khi tàu sân bay Sao Paulo ngừng hoạt động, công ty tái chế hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ Sök Denizcilik Tic Sti đã đồng ý mua thân tàu với giá 10,5 triệu USD, với điều kiện Brazil phải kéo nó ngang qua Đại Tây Dương. Cuối cùng, con tàu bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm cập cảng tại xưởng đóng tàu.
Hải quân Brazil cho biết họ đã nhờ đến công ty sửa chữa tàu sân bay tại một xưởng đóng tàu của Brazil, nhưng sau khi kiểm tra cho thấy con tàu đang rò nước và có nguy cơ bị chìm, Hải quân đã cấm tàu Sao Paulo vào các cảng của Brazil. Sau đó họ quyết định đánh chìm tàu trên biển cả.
Đại diện pháp lý của công ty sửa chữa tàu sân bay tại Brazil, Zilan Costa e Silva, cho biết việc xử lý tàu sân bay là trách nhiệm của nhà nước Brazil theo Công ước Basel 1989 về vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại.
Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết vụ chìm tàu đã vi phạm Công ước Basel, Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
“Hải quân Brazil đã chọn cách gây hại cho môi trường và mất hàng triệu USD thay vì cho phép kiểm tra công khai con tàu”, đại diện Hòa bình Xanh lên tiếng, gọi vụ chìm tàu là “sự vi phạm lớn nhất các thỏa thuận về hóa chất và chất thải mà một quốc gia từng cam kết”.