Phát biểu tại Lisbon, Tổng thống Lula da Silva nêu rõ: "Tôi không muốn làm hài lòng bất kỳ ai. Tôi muốn tìm ra một cách thức để đưa hai bên (Nga và Ukraine) ngồi vào bàn đàm phán".
Nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả của Brazil đã đến Lisbon ngày 22/4 trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu đầu tiên kể từ khi tái đắc cử tổng thống. Lãnh đạo hai nước đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Bồ Đào Nha - Brazil, ký kết 13 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực như giáo dục, tư pháp, y tế, kinh tế và văn hóa.
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Lula da Silva và người đồng cấp Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa nhấn mạnh cam kết của họ đối với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột.
Tuyên bố cũng cho biết Bồ Đào Nha và Brazil ủng hộ hoạt động đầy đủ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7/2022 để thiết lập một hành lang nhân đạo trên biển cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của hai nước này.
Trước đó, trong các chuyến thăm tới Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi tuần trước, Tổng thống Lula da Silva đã thảo luận với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về khả năng làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Ông đồng thời gợi ý về một "G20 chính trị" (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột.
Theo nhà lãnh đạo Brazil, G20 được thành lập để giải cứu nền kinh tế (thế giới) đang gặp khủng hoảng. Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình. Tổng thống Lula da Silva cho biết ông đã thảo luận về sáng kiến của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo một số quốc gia Nam Mỹ.