Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với một “phép thử” không dễ dàng, cả về đối ngoại và đối nội.
Bước ngoặt chiến lượcChính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chủ mưu cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua đã thực hiện chỉ đạo trực tiếp của giáo sĩ Fethullah Gulen (đang sống tại Mỹ), hòng lật đổ Tổng thống Erdogan. Âm mưu này đã thất bại hoàn toàn, mang lại “cơ hội vàng” cho Tổng thống Erdogan chấn chỉnh lại bộ máy công quyền và các lực lượng vũ trang.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Tayyip Erdogan (trái) tại cuộc hội đàm ở Saint Peterburg. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng nghìn và sa thải hơn 3.000 binh sĩ do dính líu đến vụ đảo chính. Hàng trăm tướng lĩnh và đô đốc của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cách chức và sa thải. Bộ tổng tham mưu và các bộ, cục khác trong quân đội đã được chuyển sang nằm dưới sự quản lý trực tiếp của tổng thống và chính phủ. Cơ quan duy nhất “miễn dịch” trong đợt cải tổ này là Cơ quan Tình báo Quốc gia (MIT), dù cũng đang bị chỉ trích vì đã không cảnh báo được về âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, chính phủ cam kết cũng sẽ tiến hành cải tổ cơ quan này. Đây là một nỗ lực “dân sự hóa” mang tính cách mạng lịch sử, đặt chính quyền của Tổng thống Erdogan trước một bước ngoặt chiến lược. Theo tính toán của phương Tây, “đợt thanh lọc” này đụng chạm tới hơn 60.000 người gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và nhân viên nhà nước.
“Phép thử” tái thiếtNhìn bề ngoài, cuộc sống trên đường phố đã trở lại nhịp độ bình thường ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, nơi cách đây một tháng từng chứng kiến những trận oanh kích từ trên không và cơn cuồng nộ của những chiếc xe tăng vô cảm trên đường phố vào cái đêm đảo chính bất thành. Nhưng những bảng thông cáo về cuộc đảo chính thất bại và những bức ảnh của “những kẻ tử vì đạo” bị tiêu diệt dán khắp các bến tàu điện ngầm sẽ nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống không còn như trước khi xảy ra sự kiện trên.
Theo ước tính ban đầu, thiệt hại trực tiếp do đảo chính lên tới 100 triệu USD. Âm mưu đảo chính xảy ra vào đúng đỉnh điểm của những yếu kém về cơ cấu và những rủi ro chính trị lâu dài, tác động đến nền kinh tế khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận rõ những tác động tiêu cực của cuộc nổi dậy này. Lạm phát cao, đồng lira suy yếu, gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp ở mức nghiêm trọng hơn cả nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ngành du lịch - thế mạnh trong nền kinh tế đất nước ven bờ Địa Trung Hải này - đang trải qua một mùa Hè tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Doanh thu năm nay dự báo sẽ giảm 1/4 so với cùng kỳ năm trước, tương đương 8 tỷ USD. Các nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu, trong khi các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ “khóc dở mếu dở” trước tình trạng các đơn hàng nước ngoài bị hủy do đảo chính.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ một bậc, từ BB+/B xuống BB/B (cả hai mức đều được coi là không nên đầu tư), đồng thời vẫn đánh giá triển vọng nợ công là tiêu cực. Việc các nhà đầu tư thiếu niềm tin đối với chính phủ có thể còn làm đất nước thiệt hại nhiều hơn thế nữa. Tất cả những khó khăn trên đặt chính quyền của Tổng thống Erdogan trước “phép thử” tái thiết nền kinh tế. Phó Thủ tướng Mehmet Simsek cam kết nền kinh tế thị trường của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động như trước đây. Ông lập luận rằng kinh tế nước này có nền tảng khá vững chắc, đã từng phục hồi nhanh chóng trong nhiều thời điểm như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự thay đổi về địa chính trị.
Thách thức đối ngoạiSau sự kiện đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, không có lãnh đạo nào từ châu Âu tới Ankara bày tỏ tình đoàn kết. Các nỗ lực chấn chỉnh của Tổng thống Erdogan vấp phải sự phản đối, thậm chí là “ghẻ lạnh” của phương Tây, trong khi Mỹ từ chối dẫn độ ngay lập tức giáo sĩ Gülen mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu này. Cộng thêm việc EU liên tục trì hoãn xem xét đơn xin gia nhập của thổ Nhĩ Kỳ và áp dụng miễn thị thực cho du khách Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen, tất cả đã khiến Tổng thống Erdogan cảm thấy bị phản bội và cần “tính lại”. Không nhận được sự ủng hộ xứng đáng từ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang hướng Đông, tìm cách “cài đặt lại” quan hệ với Nga.
Thân phương Tây vốn là “hòn đá tảng” trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO từ năm 1952. Nhưng từ cuối tháng 6 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài với Nga sau vụ bắn rơi máy bay Su-24. Việc ông Erdogan chọn đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đảo chính làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “xoay trục” đối ngoại.
Ngoài chuyện ông Erdogan đã nhận được cuộc điện thoại chia buồn và động viên giá trị gần như ngay lập tức của Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc Thổ Nhĩ Kỳ “bắt tay” với Nga còn giúp đem đến một lời giải tạm thời cho bài toán kinh tế hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc gặp tại Saint Peterburg vừa qua, hai tổng thống đã tuyên bố hợp tác trong nhiều dự án trọng điểm, như nối lại việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tại Biển Đen, và cam kết nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD.
Sự “đổi chiều” trong quan hệ với Nga cũng như sự lạnh nhạt trong quan hệ với phương Tây được cho là sẽ chỉ mang tính tạm thời. Dường như Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng “quân bài” Nga để mặc cả với châu Âu và Mỹ, đồng thời tìm một lối thoát dù hẹp cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Giới chuyên gia cảnh báo 44% hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ là đến châu Âu, trong khi chỉ có 4% xuất sang Nga. EU vẫn còn quá quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. “Phép thử” lần này đối với Tổng thống Erdogan là rất lớn.