Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một tuyên bố ra ngày 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi chiến lược này là do xuất hiện bằng chứng người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng vẫn có thể phát tán bệnh. Nhà lãnh đạo khẳng định chính quyền sẽ phân phát khẩu trang tái sử dụng cho người dân từ ngày 5/4.
“Có những trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng không bị phát hiện, mặc dù con số này không nhiều. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy người nhiễm virus có thể không có triệu chứng mà vẫn lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ chấm dứt việc yêu cầu người dân không đeo khẩu trang”.
Hiệp hội Nhân dân Singapore – cơ quan chính thức giám sát các ủy ban dân sinh khu vực – sẽ chịu trách nhiệm phân phát khẩu trang tái sử dụng cho người dân từ ngày 5/4. Trước đó, trong tháng Hai, chính phủ cũng phát 5,2 triệu khẩu trang y tế cho 1,37 triệu người dân. Thời điểm đó, mỗi hộ được nhận 4 chiếc khẩu trang.
Kenneth Mak, Giám đốc dịch vụ y tế của Bộ Y tế Singapore, cho biết các khuyến nghị về đeo khẩu trang là “dựa trên bằng chứng được cung cấp và xuất phát từ việc chúng tôi hiểu được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các cách thức lây nhiễm ngay tại Singapore”.
Mặc dù khuyến khích người dân đeo khẩu trang song Thủ tướng Lý Hiển Long không quên nhấn mạnh các nhà chức trách vẫn muốn dành khẩu trang y tế cho những người thực sự cần như nhân viên chăm sóc tại các phòng khám và bệnh viện. Bộ trưởng thương mại Chan Chun Sing cho biết Singapore đã lường trước kế hoạch cho kịch bản này và có nguồn cung khẩu trang riêng, trong khi vẫn đảm bảo số lượng lớn được bán ra thị trường phục vụ người dân.
Khi được hỏi liệu rằng giới chức đáng nhẽ phải cân nhắc về phương án đeo khẩu trang sớm hơn, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong cho biết chính phủ đang từng bước áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, và người dân có thể thấy “mệt mỏi” nếu như thực hiện một loạt biện pháp cùng một lúc. “Khi thấy mệt mỏi, mọi người có thể không tuân thủ hướng dẫn, và từ đó các quy định không còn hiệu quả nữa. Trước kia chúng ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng giờ có và chúng tôi quan ngại về những ca nhiễm không bị phát hiện. Chính vì vậy, chúng tôi nhất trí thay đổi cách nhìn nhận về khẩu trang”, nhà chức trách lý giải.
Phản ứng trước sự thay đổi của chính phủ, trong khi một bộ phận người dân cho rằng quyết định đó là “quá muộn” thì phần lớn người Singapore bày tỏ “thà muộn còn hơn không” và ủng hộ việc nhà nước phát khẩu trang tái sử dụng, với hy vọng giới chức sẽ thực thi chính sách về khẩu trang nghiêm ngặt hơn.
Cùng ngày, Singapore thông báo tất cả các trường học và phần lớn công sở sẽ đóng cửa từ đầu tuần tới. Đây cũng đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại đảo quốc này đã tăng lên ít nhất 1.100 ca tính đến ngày 3/4.
Tương tự Singapore, các quốc gia phương Tây đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của khẩu trang trong việc phòng ngừa COVID-19. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature ngày 3/4 khảo sát trên 200 người, các nhà khoa học chỉ ra khẩu trang y tế có thể “giúp ngăn chặn đường lây nhiễm của virus”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News ngày 3/4, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia – cho biết Mỹ sẽ sớm mở rộng các khuyến nghị và gợi ý người dân cân nhắc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
“Vì một vài thông tin gần đây chúng tôi nhận được cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể thực sự lây lan khi mọi người chỉ nói chuyện, chứ chưa cần đến ho hay hắt hơi. Tốt nhất khi ra ngoài, và bạn không thể duy trì được khoảng cách an toàn tối thiểu 2m với người khác, hãy đeo một thứ gì đó che mặt”, Tiến sĩ Fauci phát biểu.
Trong một cuộc họp báo tại Geneva ngày 3/4, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Mike Ryan cho rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền trong không khí, nhưng nguyên nhân lây nhiễm chính vẫn là do những người bị bệnh với các triệu chứng ho, hắt hơi và làm lây nhiễm qua bề mặt hoặc người khác.
Ông Mike Ryan thừa nhận "một cuộc tranh luận rất quan trọng" về việc đeo khẩu trang. Ông nói: “WHO đang nghiên cứu tất cả các bằng chứng để xem tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với đại dịch lúc này”. Chuyên gia của WHO nhấn mạnh việc sử dụng khẩu trang, khẩu trang tự chế hoặc khẩu trang vải ở cấp độ cộng đồng có thể giúp ích trong một phản ứng toàn diện đối với căn bệnh này.