Theo CNA, vào tháng 12/2021, Hàn Quốc đã áp đặt các hạn chế phòng dịch mới để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan. Vào đầu tháng 2, lệnh giới nghiêm này tiếp tục được gia hạn khi Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục.
Hai tuần sau, số ca nhiễm mới đã tăng gấp gần 4 lần lên trên 100.000 ca. Bất chấp số ca mắc tăng theo cấp số nhân, giới chức vẫn tuyên bố nới lỏng giờ giới nghiêm từ 9 đến 10 giờ tối. Nhiều quy định phòng dịch khác sau đó cũng được dỡ bỏ, dù số ca mắc tiếp tục lập kỷ lục mới trong tuần này, với trên 210.000 ca mắc trong ngày 7/3. Các chuyên gia dự đoán Hàn Quốc sẽ sớm đạt mốc 330.000 ca nhiễm/ngày.
Từ đại dịch sang bệnh đặc hữu
Khi làn sóng Omicron tràn vào Hàn Quốc, chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm sang sống và điều trị bệnh COVID-19 như bệnh đặc hữu, giống cúm mùa. Giới chức nhận định đây là thời điểm thích hợp hơn bất kỳ thời điểm nào khác.
Omicron đã nhanh chóng trở thành biến thể thống trị ở Hàn Quốc. Với 86% dân số đã tiêm chủng đầy đủ và 60% người dân đã tiêm mũi tăng cường, giới chức cho biết số ca mắc hàng ngày ở Hàn Quốc có thể tăng nhưng số ca nguy kịch và tử vong vẫn ở mức thấp. Nhà chức trách tin rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Hàn Quốc có thể đối phó tốt với tình hình này.
Tính đến tuần trước, Hàn Quốc mới sử dụng khoảng 40% giường bệnh được chuẩn bị cho các trường hợp nguy kịch trên toàn quốc. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân COVID-19 đang tự điều trị tại nhà. Việc truy vết tiếp xúc vốn cần nhiều nhân lực, tiêu tốn chi phí, đã không còn cần thiết.
Song khi người dân đã quen với những hạn chế phòng dịch, những thay đổi trong làn sóng Omicron đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Vì vậy, một trong những lý do khiến giới chức đau đầu hiện nay là việc thuyết phục người dân rằng nới lỏng hạn chế vẫn đảm bảo an toàn cho họ.
Cuộc bầu cử tổng thống chi phối chiến lược kiểm soát đại dịch
Việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch vào thời điểm biến thể Omicron bùng phát là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, động thái này cũng mang tính chính trị sâu sắc khi cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra ở Hàn Quốc vào ngày 9/3 tới. Trong khi Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in không đủ điều kiện để tranh cử nhiệm kỳ thứ 2, đảng của ông hy vọng ứng cử viên Lee Jae-myung có thể giành chiến thắng.
Việc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch sẽ tạo nên chiến lược chính trị hiệu quả. Các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng hoan nghênh điều này khi giới hạn về lượng khách và giờ giấc hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến họ. Nhiều người cho rằng thảm họa kinh tế đang đè nặng lên áp lực mở cửa.
Việc nới lỏng thời gian đóng cửa bắt buộc từ 9 đến 10 giờ tối sẽ là giải pháp giúp đem lại lợi nhuận cho những doanh nghiệp đang khốn đốn vì đại dịch. Tuy nhiên, một số người than thở rằng động thái này và các khoản hỗ trợ tài chính khác của chính phủ vẫn không đủ giúp họ vượt qua khó khăn.
Vào tháng 12/2021, Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ 831 USD cho mỗi doanh nghiệp nhỏ, nhưng một số chủ sở hữu chỉ ra rằng số tiền này ít hơn cả khoản lương hàng tháng của nhân viên bán thời gian. Những doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, như quán ăn đường phố và cửa hàng bán lẻ, vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng ngay cả khi doanh số bán hàng giảm mạnh.
Các khu thương mại sầm uất một thời cũng không còn tấp nập. Nhiều mặt bằng bị bỏ trống. Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 29.000 doanh nghiệp nhỏ ở Hàn Quốc đã đóng cửa vào năm ngoái. Cuộc khảo sát gần đây của hiệp hội thương mại cũng cho thấy 58% đang cân nhắc đóng cửa.
Thận trọng mở cửa trở lại
Giới chức Hàn Quốc không đặt câu hỏi có nên mở cửa trở lại hay không, mà là làm thế nào điều chỉnh tốc độ mở cửa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng và giảm bớt nỗi lo của người dân.
Trong một cuộc thăm dò vào giữa tháng 2, khi được hỏi liệu có cần giới hạn thời gian hoạt động kinh doanh hay không, 48% người tham gia khảo sát trả lời là không, nhưng có đến 41% muốn chính phủ duy trì các hạn chế này. Ngoài ra, 84% người được hỏi cho biết vẫn nên bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian kín, chẳng hạn như khi đi phương tiện giao thông công cộng. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy người Hàn Quốc chưa sẵn sàng mở cửa trở lại hoàn toàn.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch ở những quốc gia từng kiểm soát tốt dịch bệnh là điều không hề dễ dàng. Không rõ Hàn Quốc có dỡ bỏ thêm các quy định phòng dịch nào sau cuộc bầu cử tổng thống hay không, nhưng các chuyên gia cho rằng nước này có thể đã đi đúng con đường thoát khỏi đại dịch: Đã đến lúc tự tin hơn và bớt sợ hãi hơn khi sống chung với COVID-19.