Ca mắc COVID-19 gia tăng, Pháp vẫn không áp đặt lệnh phong tỏa mới

Mặc dù số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng, song Chính phủ Pháp vẫn quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Ngày 14/3, Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận định Pháp cần nỗ lực hết sức để tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa mới trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 khiến sức ép lên các bệnh viện ngày càng tăng.

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Cho đến nay, mặc dù số ca nhiễm không ngừng tăng, song Chính phủ Pháp vẫn quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Thay vào đó, Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc vào lúc 18h hằng ngày và lệnh phong tỏa vào cuối tuần tại hai vùng đang gặp khó khăn trong việc chống dịch. Chính quyền cũng yêu cầu các trung tâm mua sắm lớn phải đóng cửa.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Castex nhấn mạnh Pháp cần tận dụng mọi biện pháp như tiêm phòng, xét nghiệm để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới. Ông đánh giá tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu cải thiện với ngày càng nhiều ca nhiễm mới và các bệnh viện đang bị quá tải bệnh nhân. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân ngày càng giảm, trong khi những người không có bệnh nền ngày càng tăng. Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch chuyển khoảng 100 bệnh nhân từ vùng thủ đô Paris đến các thành phố khác trong tuần này nhằm giảm tải cho các bệnh viện tại thủ đô. 

Trong ngày 14/3, Pháp đã ghi nhận thêm 26.343 ca nhiễm mới và 140 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt ở mức hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 90.000 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Pháp Elizabeth Borne xác nhận bà đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là quan chức cấp cao mới nhất của Pháp mắc COVID-19.

Chương trình tiêm phòng COVID-19 của Pháp đang tăng tốc với 5.128.872 người đã được tiêm phòng mũi đầu tính đến ngày 14/3, tương đương 7,7% dân số. Số người được tiêm đủ cả 2 mũi là 2.239.9 người.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết chính phủ hy vọng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19 hiện nay, kết hợp với số người được tiêm phòng ngày càng tăng, sẽ giúp nước này có thể nới lỏng các biện pháp trong giai đoạn nửa sau của mùa Xuân. Trong bối cảnh một số nước tạm dừng sử dụng vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất, Bộ trưởng Speranza vẫn bày tỏ tin tưởng vào đánh giá của giới chức Italy và Liên minh châu Âu (EU) về mức độ an toàn của sản phẩm này.

Theo kế hoạch, các trường học, nhà hàng, cửa hiệu và bảo tàng sẽ phải đóng cửa tại phần lớn các khu vực của Italy từ ngày 15/3, đúng một năm sau khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại nước này. Tuần trước, Thủ tướng Mario Draghi khẳng định các biến thể mới là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh. Phần lớn các vùng, bao gồm Rome và Milan, đều trở thành các vùng đỏ có nguy cơ cao, khiến tất cả người dân không được phép ra ngoài, trừ khi đi làm, khám bệnh hoặc vì các mục đích thiết yếu khác. Các biện pháp hạn chế này sẽ áp dụng với 48 triệu người dân Italy và dự kiến kéo dài đến Lễ Tạ ơn. Vào dịp cuối tuần của Lễ Tạ ơn từ ngày 3-5/4, toàn bộ Italy sẽ thành vùng đỏ.

Kể từ khi bùng phát dịch, Italy ghi nhận tổng cộng hơn 3,2 triệu ca nhiễm và 100.000 ca tử vong do COVID-19.

Đặng Ánh (TTXVN)
Số ca mắc COVID-19 tại Israel tiếp tục giảm nhờ hiệu quả tiêm vaccine
Số ca mắc COVID-19 tại Israel tiếp tục giảm nhờ hiệu quả tiêm vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một tuần sau khi Chính phủ Israel mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, số ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm nhờ hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN