Đây là kết luận được rút ra từ nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Advances ngày 10/8. Nghiên cứu dược tiến hành nhằm hỗ trợ nỗ lực của các chính phủ trong việc hạn chế sự ấm lên toàn cầu, thông qua cách xác định các vấn đề lớn nhất cần được chú trọng.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh từ 4 thành phố lớn trên thế giới, bao gồm thủ đô Delhi và thành phố Mumbai (Ấn Độ), thành phố Lahore (Pakistan) và thủ đô Buenos Aires (Argentina). Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, lượng khí thải từ các bãi rác trong năm 2018 và 2019 cao hơn ước tính trước đó từ 1,4 - 2,6 lần.
Chất thải hữu cơ như thực phẩm, gỗ hoặc giấy khi bị phân hủy sẽ phát thải khí methane vào không khí. Khí methane có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn nhiều lần so với khí CO2. Tuy methane chỉ chiếm khoảng 11% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tồn tại khoảng chục năm trong không khí, nhưng lại giữ nhiệt trong khí quyển nhiều hơn 80 lần so với khí CO2. Các nhà khoa học ước tính rằng ít nhất 25% mức độ ấm lên toàn cầu ngày nay là do tác động của khí methane phát thải trong sinh hoạt của con người.
Các bãi rác là nguồn phát thải khí methane lớn thứ 3 trên toàn cầu, sau các hệ thống dầu khí và nông nghiệp.
Tác giả của nghiên cứu, đồng thời là chuyên gia về khí quyển tại Viện Nghiên cứu Không gian Hà Lan, ông Joannes Maasakkers cho biết, đây là lần đầu tiên các hình ảnh vệ tinh chất lượng cao được sử dụng để quan sát các bãi rác và giúp tính toán lượng khí thải methane. Theo ông Maasakkers, các bãi rác này khá nhỏ nếu so sánh với diện tích của thành phố, nhưng lại là nguồn phát thải khí độc hại lớn đối với mỗi khu vực nhất định.
Sử dụng dữ liệu vệ tinh để đo lường khí thải vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới, song đang dần trở nên phổ biến hơn khi nhu cầu theo dõi khí thải gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều tổ chức độc lập theo dõi lượng khí nhà kính và xác định các chất phát thải lớn, trái ngược với trước đây khi dữ liệu của chính phủ là nguồn thông tin duy nhất.
Các chuyên gia khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu mới cho thấy độ cấp thiết trong quy trình quản lý các bãi rác, đặc biệt tại những quốc gia có truyền thống đốt các loại rác thải.