Trước đó, tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán ban đầu mang tên “Đối thoại Libya” giữa 5 thành viên của GNA và 5 đại diện của nghị viện ở miền Đông, diễn ra từ ngày 7/9-9/9 tại thị trấn ven biển Bouznika, phía Nam thủ đô Rabat của Maroc, cho biết hai bên đã có "những thỏa hiệp quan trọng", song không nêu chi tiết cụ thể. Các cuộc đàm phán đã được nối lại sau đó vào ngày 10/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, Hội đồng Nhà nước Tối cao Libya có trụ sở tại Tripoli và nghị viện ở miền Đông cho biết 2 bên "đã đạt được thoả thuận toàn diện về các tiêu chí và cơ chế đối với những nhiệm vụ then chốt về chủ quyền", cũng như "các tiêu chí, cơ chế minh bạch và các mục tiêu" để bổ nhiệm các vị trí chủ chốt. Tuyên bố cũng xác nhận thời điểm tiếp tục tổ chức đàm phán vào tuần cuối cùng của tháng 9 nhằm hoàn thiện các cơ chế "đảm bảo việc thực thi và kích hoạt" thỏa thuận.
Đối thoại được tiến hành sau khi GNA được LHQ công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông ngày 21/8 vừa qua tuyên bố ngừng bắn trên cả nước. Sự kiện này diễn ra vài tuần sau các chuyến thăm riêng rẽ của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tối cao Libya Khalid al-Mishri và Chủ tịch nghị viện miền Đông Aquila Saleh tới Maroc. Bà Stephanie Williams - quyền Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya kiêm đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL), cho biết song song với các cuộc đối thoại ở Maroc, "các cuộc tham vấn" cũng đã diễn ra tại Montreux (Thụy Sĩ) trong tuần này giữa các bên Libya và các thành viên của UNSMIL.
Năm 2015, Maroc đã đăng cai tổ chức những cuộc hòa đàm giữa các bên đối địch ở Libya, dẫn đến việc ký kết thoả thuận chính trị về việc thành lập GNA. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này đến nay vẫn chìm trong xung đột trong bối cảnh 2 chính quyền tồn tại song song.