Theo thông báo của UNSMIL đăng trên mạng xã hội Twitter, các nhà đàm phán của Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành hai cuộc họp riêng rẽ với phái đoàn của LNA vào hôm 3/6 và với phái đoàn của GNA vào ngày 9/6. Các cuộc họp diễn ra theo hình thức 5+5, theo đó mỗi bên chỉ định 5 sỹ quan cấp cao them gia đàm phán và LHQ làm trung gian.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. GNA được LHQ công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng LNA trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được các quốc gia gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập hỗ trợ. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Việc GNA và LNA cùng tham gia vòng đàm phán đánh dấu một bước tiến triển mới ở Libya trong vài tuần gần đây, trong bối cảnh GNA đã giành những thắng lợi "thần tốc", trong khi LNA tuyên bố chiến dịch quân sự nhằm giữ thủ đô Tripoli thất bại. LNA cũng rút khỏi hầu hết các vùng lãnh thổ ở Tây Bắc Libya.
Tuy nhiên, một điểm nóng giao tranh mới xuất hiện tại thành phố duyên hải Sirte (Xơ-tê) miền Trung Libya đang dấy lên nhiều hoài nghi về một thỏa thuận hòa bình cho quốc gia này trong thời gian tới. Trong thông báo mới, UNSMIL cũng bày tỏ đặc biệt quan ngại trước những báo cáo về tình hình leo thang chiến sự và huy động lực lượng trong và xung quanh thành phố Sirte.
Cũng trong ngày 10/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm, thảo luận về tình hình Libya.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, thông cáo của Điện Kremlin cho biết 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu về tình hình Libya, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước các cuộc đụng độ quy mô lớn, gây nhiều thương vong và thiệt hại tại nước này. Tổng thống Putin lưu ý tầm quan trọng của việc sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và nối lại đối thoại ở Libya dựa trên các quyết định của Hội nghị Quốc tế Berlin ngày 19/1/2020, Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như các sáng kiến khác nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp chính trị và ngoại giao.