Các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, gồm có đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, cấm một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.
Nền kinh tế Nga “quay cuồng” trong ngày 28/2. Đồng ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng gấp hai lần lãi suất cơ bản lên 20% và đồng thời đóng cửa thị trường chứng khoán và thị trường phái sinh.
Cùng ngày, công ty Shell cho biết sẽ rút toàn bộ hoạt động ở Nga, bao gồm cả dự án xây dựng nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 mà họ nắm giữ 27,5% cổ phần trong khi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sở hữu 50% cổ phần.
Về phần mình, công ty BP, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, trong cuối tuần qua thông báo từ bỏ 20% cổ phần nắm giữ trong công ty Rosneft do nhà nước kiểm soát với chi phí lên tới 25 tỷ USD, qua đó cắt giảm một nửa dự trữ dầu khí của công ty.
Ngoài ra, công ty năng lượng Equinor do Chính phủ Na Uy sở hữu đa số, cho hay công ty bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga.
Động thái trên khiến các công ty phương Tây khác chú ý đến các dự án dầu khí của Nga, như ExxonMobil và TotalEnergies.
Không chỉ vậy, các hãng sản xuất ô tô và xe tải toàn cầu, bao gồm hãng sản xuất ô tô General Motors Co (GM) của Mỹ và Daimler Truck của Đức, ngày 28/2 đã thực hiện một số động thái. Hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức tạm ngừng giao xe cho các đại lý ở Nga còn nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo và GM cho biết sẽ tạm ngừng xuất khẩu sang Nga.
Giới đầu tư cũng đang rút khỏi các công ty Nga. Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy, quỹ lớn nhất thế giới, sẽ thoái bớt vốn đầu tư và tài sản ở Nga, với trị giá khoảng 2,8 tỷ USD, trong khi quỹ đầu tư quốc gia của Australia cho biết có kế hoạch rút bớt vốn đầu tư vào Nga.