Bên cạnh đó, người dân đã được phép đi lại tự do trong phạm vi từng vùng, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách ít nhất một mét và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chính phủ cũng khuyến cáo các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng trở lại nếu dịch COVID-19 không diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Tại Vatican, Vương cung thánh đường Thánh Peter đã bắt đầu mở cửa để đón du khách. Các hoạt động thánh lễ cũng được nối lại khắp các nhà thờ ở Italy. Nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ trên khắp cả nước lên kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 như hạn chế số lượng khách hàng trong cùng một thời điểm. Chẳng hạn, đối với các cửa hàng thời trang, số áo quần do khách hàng thử sẽ được mang đi cách ly trong vòng 24 giờ. Số lượng thực khách vào các nhà hàng cũng sẽ bị hạn chế và chỉ có các thành viên trong cùng một gia đình mới được phép ngồi cạnh nhau.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ Italy, các phòng tập thể hình, hồ bơi và các trung tâm thể thao sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 25/5. Đến ngày 3/6, Italy sẽ cho phép du khách, công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen tự do đi lại đến Italy và những người này sẽ không còn phải cách ly trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, người dân Italy cũng sẽ được tự do đi lại giữa các vùng trên cả nước bắt đầu từ ngày 3/6. Đến ngày 15/6, các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ được phép hoạt động trở lại. Đối với ngành giáo dục, các trường học sẽ vẫn chưa được mở cửa trở lại cho đến tháng 9 tới. Trước đó, kể từ ngày 4/5, Italy đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa khác như mở cửa các công viên, cho phép hoạt động đối với ngành xây dựng, sản xuất và chế tạo cũng như các doanh nghiệp bán buôn.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thừa nhận việc mở cửa trở lại biên giới vào ngày 3/6 cùng với các biện pháp nới lỏng phong tỏa có thể khiến dịch bệnh gia tăng trở lại. Tuy nhiên, ông Conte cho rằng nới lỏng phong tỏa là cần thiết nhằm khôi phục nền kinh tế. Nền kinh tế cũng như cấu trúc xã hội của Italy sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng nếu nước này vẫn chờ cho đến khi có vaccine COVID-19 rồi mới nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo ông Conte, thế giới sẽ chưa thể điều chế được vaccine COVID-19 trong vòng ít nhất từ 12 - 18 tháng tới.
Chính phủ Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 8% trong năm nay. Hiệp hội bán lẻ Italy (Confcommercio) dự báo khoảng 10% số doanh nghiệp bán lẻ ở nước này, tức khoảng 270 nghìn doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng hơn tại các vùng tâm dịch ở miền Bắc với khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ ở vùng Lombardy có thể bị phá sản.
Dịch COVID-19 hiện cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của Italy, vốn chiếm khoảng 13% GDP cũng như sử dụng 13% lực lượng lao động của nước này. Cơ quan du lịch Italy ước tính có thể phải mất tới 3 năm để ngành du lịch phục hồi trở lại các mức của năm 2019. Theo một số chuyên gia, Italy có thể bị mất khoảng 500 nghìn việc làm trong ngành du lịch vào mùa Hè tới và bị thiệt hại khoảng 100 tỷ euro do tình trạng thiếu vắng khách du lịch. Tính đến ngày 18/5, Italy ghi nhận 225.435 ca nhiễm và 31.908 ca tử vong do COVID-19.