Trong tuyên bố chung, 3 nước châu Âu nói trên nêu rõ: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ chấm dứt 3 lệnh miễn trừ. Đây là những công việc được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm phục vụ các lợi ích không phổ biến vũ khí hạt nhân của tất cả các bên và đảm bảo với cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình và an toàn trong các hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Iran."
Các lệnh miễn trừ này cho phép các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu tham gia dự án chuyển đổi mục đích sử dụng của lò phản ứng nước nặng Arak của Iran thành lò phản ứng nghiên cứu và đưa nhiên liệu đã qua sử dụng ra nước ngoài.
Trước đó, ngày 27/5, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt đói với các nước vẫn tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran, vốn cho phép Nga, Trung Quốc và các công ty châu Âu làm việc tại các địa điểm hạt nhân nhạy cảm của Tehran, khiến thỏa thuận này đứng bên bờ vực sụp đổ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington đang đáp trả các bước đi hạt nhân “bên miệng hố chiến tranh” của Iran nhằm buộc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trước động thái này, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) tuyên bố quyết định này sẽ không ảnh hưởng tới chương trình hạt nhân của nước này. Người phát ngôn cơ quan này Behrouz Kamalvandi nêu rõ việc chấm dứt miễn trừ trừng phạt với những bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn được Iran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, hoàn toàn "không ảnh hưởng tới công việc của Iran" trong việc phát triển chương trình năng lượng hạt nhân dân sự.
Giới quan sát nhận định hành động này của Mỹ có thể sẽ đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA trước nguy cơ đổ vỡ. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từng coi JCPOA là cần thiết nhằm đảm bảo việc không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Iran, cũng như tạo ra sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.