Cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra một thị trường chợ đen bùng nổ khi các công ty trên khắp Đông Âu và châu Á kiếm lợi bằng cách vận chuyển hàng hóa bị cấm đến Nga.
Nhưng giờ đây, chính phủ ở các quốc gia như Armenia và Kazakhstan đang cam kết sẽ kiềm chế buôn bán thiết bị quân sự và hàng xa xỉ do lo ngại bị áp dụng các biện pháp trả đũa khi EU tiến hành các biện pháp nhằm khắc phục các lỗ hổng trừng phạt của họ.
Là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga lãnh đạo, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cùng với Nga, Belarus và Kyrgyzstan, là một phần của một thị trường chung được thiết kế để phá vỡ các rào cản hải quan và thúc đẩy thương mại. Điều đó làm cho việc hạn chế dòng hàng hóa có khả năng nhạy cảm trở nên khó khăn về mặt kỹ thuật, nhưng vấn đề này cũng đặt Armenia và Kazakhstan vào “tầm ngắm” của EU trong bối cảnh khối này tìm cách tăng cường các biện pháp hiện có khi công bố gói hạn chế thứ 11 nhằm vào Nga.
Mnatsakan Safaryan, Thứ trưởng Ngoại giao Armenia chịu trách nhiệm về chính sách trừng phạt, nói với tờ Politico rằng trong khi Liên minh Kinh tế Á-Âu yêu cầu lưu thông hàng hóa tự do, nhưng “chúng tôi không thể bị trừng phạt bằng cách tham gia vào các hoạt động mờ ám và lách luật, bỏ qua các biện pháp trừng phạt”.
Ông Safaryan nói: “Chúng tôi rất lo ngại rằng những diễn biến như vậy, việc một quốc gia hoặc các công ty của chúng tôi bị trừng phạt, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng tôi và khiến Armenia không thể đảm bảo được về mặt kinh tế và an ninh”.
Theo số liệu hải quan, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 463% từ năm 2022 đến năm 2023 và hiện trị giá hơn 328 triệu euro.
Mỹ cáo buộc quốc gia Nam Caucasus này là "điểm trung chuyển" để "chuyển hướng bất hợp pháp các mặt hàng bị hạn chế sang Nga hoặc Belarus". Nhiều công ty Armenia bị Washington trừng phạt.
Dự thảo gói trừng phạt mới nhất của EU cho thấy Brussels đang có kế hoạch làm theo và áp đặt các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn đối với ít nhất một trong số các công ty đó - Tako, một nhà nhập khẩu hàng điện tử và viễn thông của Armenia đã bị Mỹ trừng phạt.
Armenia hiện đã công khai cam kết hợp tác với EU và Mỹ để ngăn chặn giao dịch "các mặt hàng rủi ro" và ngăn ngừa các hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một danh sách do Armenia đưa ra vào tháng trước áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng hóa mà ngành công nghiệp vũ khí Nga cuối cùng có thể sử dụng.
Trong khi đó, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Armenia và đã triển khai một phái bộ giám sát dân sự để giám sát biên giới của nước này sau các cuộc xâm nhập từ nước láng giềng Azerbaijan.
Với Kazakhstan, nước này là mối quan tâm đặc biệt của phương Tây sau khi giá trị xuất khẩu sang Nga tăng gần gấp đôi từ khoảng 490 triệu euro lên hơn 800 triệu euro trong một năm, theo Trade Data Monitor. Mặc dù việc bán hàng cho Nga đã được chứng minh là mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp của nước này, nhưng tháng trước, Brussels đã ca ngợi Kazakhstan vì đã làm việc để loại bỏ hàng hóa bị cấm.
“Chúng tôi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhưng chúng tôi tuân thủ”, Bộ trưởng Kinh tế Kazakhstan Alibek Kuantyrov cho biết vào tuần trước, chỉ ra rằng mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Moskva khiến các công ty của họ có nguy cơ bị trừng phạt.
Như với Armenia, Chính phủ Kazakhstan đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với hàng hóa như thiết bị điện tử mà các nhà phân tích lo ngại có thể bị loại bỏ các thành phần của chúng và tái sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo ông Safaryan, việc dỡ bỏ mối quan hệ thương mại chặt chẽ trong nhiều thập kỷ với Nga không phải là điều dễ dàng, nhưng khẳng định không có áp lực nào từ Moskva trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa bị trừng phạt.
Ông Safaryan nói: “Chính sách của chúng tôi dựa trên cuộc đối thoại của chúng tôi với EU và Mỹ, nhưng chúng tôi cũng hợp tác với Nga để giúp điều hướng những vấn đề này vì các nền kinh tế của chúng tôi có mối liên hệ mật thiết với nhau”.